Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ hợp lý, công bằng lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen là một trong ba mục tiêu của Công ước Đa dạng sinh học và được xác định là cơ chế quan trọng trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại Việt Nam. Việc này có thể góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đồng thời, bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên.
Tiềm năng đa dạng sinh học
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, với 42.900 loài, trong đó gần 14.000 loài thực vật được ghi nhận, 11.000 loài sinh vật biển và hàng loạt loài sinh vật đặc hữu, quý, hiếm.
Đa dạng sinh học của Việt Nam được phản ánh qua sự phong phú của các loài, giống cây trồng và vật nuôi bản địa, cây thuốc và tri thức truyền thống. Nguồn tài nguyên này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt đối với Việt Nam, khi quá trình sản xuất vẫn còn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và thực trạng nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế.
Tuy vậy, do quá trình toàn cầu hóa cùng với sự gia tăng dân số, các nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật đang bị mai một, suy thoái và mất dần. Nhiều nguồn gen quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam đã bị thất thoát ra nước ngoài, không ít nguồn gen có giá trị cao đã bị tiếp cận, khai thác không có sự chia sẻ lợi ích một cách công bằng.
Thậm chí nhiều loài dược liệu quý trước đây rất sẵn ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên như: nấm linh chi, tam thất… nhưng những năm gần đây khi khảo nghiệm thực tế đã không còn nhìn thấy. Nhận thức về vai trò, giá trị của nguồn gen, việc tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen tại Việt Nam còn rất hạn chế.
Thí điểm hợp tác công tư
Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Phạm Anh Cường cho biết: Dự án "Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích ở Việt Nam" do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc hiện đang thực hiện “Mô hình thí điểm hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích” tại khu vực xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Triển khai mô hình thí điểm hợp tác công tư hướng tới mục tiêu đem lại những cơ hội khai thác, phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, cải thiện sinh kế cho người dân dựa trên tri thức truyền thống của chính họ và việc thực hiện các nội dung của hợp đồng về tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích giữa bên cung cấp và bên sử dụng nguồn gen.
Đây cũng là việc thử nghiệm áp dụng cơ chế mới là tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam.
Xã Tả Phìn có 717 hộ với 3.655 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông có 370 hộ, 2.082 nhân khẩu chiếm 52,6%; dân tộc Dao có 256 hộ, 1.333 nhân khẩu chiếm 36,6%; còn lại là dân tộc Kinh, Tày, Giáy. Cơ cấu lao động chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chiếm 94,02%; thương mại - dịch vụ chỉ chiếm 5,98%.
Trước đây, người dân chỉ khai thác cây thuốc với mục đích sử dụng cho gia đình. Từ khi Sa Pa trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nhiều cửa hàng thuốc, dịch vụ thuốc tắm mọc lên khắp nơi để phục vụ du khách. Vì vậy, những loài cây lâm sản ngoài gỗ dần cạn kiệt trong các khu rừng.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen và tri thức truyền thống của cộng đồng bản địa nơi đây, Ban Quản lý Dự án đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ, triển khai các hoạt động của Dự án với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai và các đơn vị chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương thôn Tà Chải, xã Tả Phìn.
Năm 2018, dự án phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sa Pa, UBND xã Tả Phìn và đơn vị tư vấn tổ chức điều tra thực địa đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên di truyền tại khu vực triển khai mô hình thí điểm, lập danh sách loài, đánh giá đa dạng sinh học, mức độ phong phú của từng loài…
Khu vực rừng phòng hộ Tà Chải có 256 loài cây thuốc đã được phát hiện, trong đó có 193 loài đã xác định tên khoa học đến loài, 59 loài xác định đến chi và 4 loài xác định đến họ; 7 loài bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam, một loài có thể là loài mới; 19 loài trong sách đỏ Việt Nam, chiếm 4.24% tổng số loài trong sách đỏ Việt Nam.
Theo đó, 65,28 ha rừng sẽ được giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa để bảo vệ và sử dụng bền vững theo nguyên tắc 20 năm và ký hợp đồng giao khoán hàng năm. Đây là khu vực rừng tự nhiên có nguy cơ bị xâm lấn cao do diện tích làm nương rẫy của các hộ gia đình trong thôn.
Những năm trước đây, việc giao khoán quản lý bảo về rừng thường được giao cho hộ gia đình và nhóm hộ gia đình nên thường xảy ra tình trạng bất bình đẳng, mâu thuẫn liên quan đến chia sẻ lợi ích. Không những vậy, thời gian qua, tình trạng người dân lén lút khai thác lâm sản, cây dược liệu vượt mức, không có kiểm soát vẫn còn.
Thêm vào đó, một nhóm khoảng 15 người của thôn Tà Chải, xã Tả Phìn sẽ được thành lập nhằm bảo vệ khu vực thực hiện mô hình thí điểm, phối hợp xây dựng và chăm sóc một vườn ươm đặt tại khu vực rừng phòng hộ để cung cấp giống cho 3 ha trồng trọt và giống khôi phục quần thể 10 loài mục tiêu trên 1 ha để cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm thuốc xoa bóp. Bên cạnh đó, 3 ha đất canh tác nông nghiệp trong khu vực rừng cũng được chuyển đổi sang trồng các loại cây thuốc.
Dự án hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm dầu xoa bóp có thành phần từ các loại cây thuốc tự nhiên và từ tri thức truyền thống của người Dao đỏ sinh sống tại thôn Tà Chải. Bà mế Chảo Sử Mẩy - người được coi là “bà lang tổ” của các bài thuốc chăm sóc sức khỏe tại Tả Phìn chia sẻ, bà mong muốn có thể lưu giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu những bài thuốc, cách thức sử dụng từng loài cây thuốc trong rừng.