Tiểu vùng Trung Trường Sơn ở Việt Nam kéo dài từ Lào ở phía Tây đến miền Trung Việt Nam là một khu vực tồn tại như rừng liên tục bất chấp những biến động khí hậu trước đó, khuyến khích cao sự biệt hóa và đặc hữu.
Vùng sinh thái Trung Trường Sơn có tổng diện tích 3,7 triệu ha với trên 2, triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm tới gần 2,2 triệu ha, còn lại là rừng trồng, độ che phủ bình quân của vùng đạt 42,75%; 3.000 loài thực vật, trong đó có 46 loài được ghi trong sách đỏ, 28 loài thú đặc hữu, gần 400 loài chim, 11 loài lưỡng cư bò sát... Một số lượng đáng kể các loài có tầm quan trọng toàn cầu, bao gồm loài Voọc chà vá chân xám, Khướu vằn đầu đen và Dẻ Tùng Nam đang bị đe dọa được biết chỉ có ở trong khu vực cảnh quan Trung Trường Sơn.
Đây là khu vực thường xuyên phải hứng chịu mọi thiên tai lũ, lụt và hạn hán, đồng bào phần lớn là các nhóm dân tộc ít người, sống ở vùng sâu, vùng xa, sinh kế chủ yếu dựa vào rừng. Với mục tiêu trong vòng 50 năm tới, đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn sẽ được quản lý, bảo vệ và phục hồi bền vững. Việc lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững vào bảo vệ bền vững cảnh quan vùng Trung Trường Sơn là một trong những định hướng chính sách ưu tiên. Khu vực này đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều tổ chức thông qua một số dự án lớn.
Các hoạt động bảo vệ và duy trì càng nhiều càng tốt các khu rừng tự nhiên còn lại, khôi phục và mở rộng môi trường sống được coi là cần thiết để bảo tồn đa dạng sinh học phong phú trong khu vực Trung Trường Sơn. Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á từ 2016-2020.
Dự án hỗ trợ cách tiếp cận thống nhất để phát triển sự kết nối hệ sinh thái khu vực, giải quyết suy thoái đất rừng, lấp đầy khoảng trống năng lực cần thiết cho quản lý rừng bền vững, hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu, phục hồi môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học trong và ngoài các khu bảo tồn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, hệ sinh thái rừng sẽ được quản lý bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương với việc tập trung hỗ trợ cho chương trình bảo tồn loài, mở rộng diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng; năng lực bảo tồn cho 7 Khu bảo tồn gồm: Đakrông và Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), Phong Điền và Sao La (Thừa Thiên-Huế), Ngọc Linh, Sông Thanh và Sao La (Quảng Nam), chú trọng phát triển sinh kế cho người dân 40 thôn ưu tiên nằm xung quanh các khu bảo tồn.
Các hoạt động như hỗ trợ xúc tiến tái sinh tự nhiên, phát triển sinh kế thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng và quản lý rừng bền vững, sử dụng và chia sẻ lợi ích tài nguyên rừng có thể cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao hệ thống sản xuất, tiếp nhận những lợi ích tiền tệ từ việc bảo vệ rừng và cải thiện sức khỏe, sự giàu có của rừng được liên kết một cách mật thiết với đời sống người dân.
Gần 80% cư dân vùng đệm là người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Tà Ôi, Giẻ Triêng, Ca Dong, M'Nông, chủ yếu là người nghèo, sinh kế phụ thuộc vào các sản phẩm và dịch vụ hệ sinh thái rừng và nông nghiệp. Hơn 126.000 người dân sống trong và xung quanh các khu bảo tồn trong khu vực dự án, những người dân phần lớn canh tác nông nghiệp, kết hợp du canh, luân canh và trồng lúa nước sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp.
Trong cảnh quan Trung Trường Sơn, hầu hết các khu rừng tự nhiên vẫn nằm trong và xung quanh các khu bảo tồn, cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng từ các nền kinh tế mở rộng. Do đó, dự án sẽ nhắm mục tiêu vào những thiếu sót quan trọng trong việc bảo vệ, quản lý, phục hồi khu bảo tồn, rừng, cảnh quan nông nghiệp giữa các khu bảo tồn để duy trì, củng cố khả năng sinh học, sinh thái và sức sống của cảnh quan. Đặc biệt, dự án sẽ liên kết các khu bảo tồn và vùng đệm với các hành lang đa dạng sinh học để tạo thành một cảnh quan rộng lớn hơn, hiệu quả hơn nhằm tiếp tục bảo vệ và duy trì nguồn đa dạng sinh học phong phú, các dịch vụ hệ sinh thái, vùng đầu nguồn, nâng cao trữ lượng các bon và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp cảnh quan.
Ban Quản lý của 7 Khu Bảo tồn thực hiện các kế hoạch để quản lý bền vững hơn 231.000 ha trong các Khu Bảo tồn cùng với khoảng 450.000 ha rừng đầu nguồn có lợi cho đa dạng sinh học có giá trị cao, tránh nạn phá rừng cùng với việc giảm lượng khí thải nhà kính.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, hiệu quả quản lý 7 Khu Bảo tồn đã tăng lên 32.36%. Hoạt động tăng cường quản lý rừng bền vững và tích tụ cacbon trong các cảnh quan rừng, thành lập hệ thống giám sát tác động/bảo vệ rừng cấp tỉnh, trong đó tập trung vào 6 hoạt động chính là đánh giá hiện trạng quản lý rừng ở xã Cà Dy (Nam Giang, Quảng Nam), xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho cộng đồng thôn Rô (xã Cà Dy), cơ chế chia sẻ lợi ích cho cộng đồng thôn Rô tham gia quản lý rừng bền vững, đánh giá nhanh trữ lượng carbon và tiềm năng tích tụ carbon, nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện của kế hoạch quản lý bảo vệ thí điểm ở thôn Rô, xã Cà Dy bao gồm Xây dựng Sổ tay quản lý rừng bền vững và hướng dẫn thực hiện các mô hình sinh kế.
6/7 Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững của Khu Bảo tồn đã được phê duyệt. Khu Bảo tồn Ngọc Linh đã được chuyển sang xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của Luật Lâm nghiệp và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2020. Các kế hoạch hành động bảo tồn loài mục tiêu gồm Chà vá chân nâu ở Quảng Trị; Vượn má vàng Trung bộ ở Quảng Nam đã được UBND tỉnh phê duyệt; Trĩ sao ở Thừa Thiên-Huế đang được thẩm định để phê duyệt.