Ông Trần Đình Vũ, đại diện Bảo Minh Phú Yên, tại buổi đối thoại. |
Tham gia buổi đối thoại có đại diện Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Đông Á là doanh nghiệp đóng tàu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh Phú Yên, Công ty Bảo Minh Phú Yên, lãnh đạo các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên, ngư dân Phan Thanh Trị. Riêng hai ngư dân có tàu vỏ thép bị sự cố trong thời gian vừa qua là ông Trương Văn Công và Đỗ Ngọc Tín không tham dự.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, tỉnh Phú Yên có 12 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã đi vào hoạt động khai thác; trong đó, có 4 tàu vỏ gỗ và 2 tàu vỏ composite đều hành nghề lưới vây; còn lại 6 tàu vỏ thép hành nghề lưới vây và lưới chụp.
Cũng theo ông Phương, qua đánh giá kết quả hoạt động, nhìn chung các tàu vỏ gỗ, vỏ composite hoạt động tương đối ổn định, ít xảy ra sự cố. Tuy nhiên, có 3 tàu vỏ thép thường xảy ra sự cố; trong đó, hai tàu của ông Trương Văn Công và Đỗ Ngọc Tín đến thời điểm này đã khắc phục.
Ngư dân Phan Thanh Trị phát biểu tại buổi đối thoại. |
Riêng tàu cá của ngư dân Phan Thanh Trị (trú ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa) mang số hiệu PY 99991-TS do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV Phà Rừng đóng mới sau khi đưa vào hoạt động đến nay chỉ mới thực hiện 4 chuyến biển nhưng đều bị sự cố nên không khai thác được. Tàu cá này sử dụng máy chính Yanmar 6A YM-WET có công suất 829 CV.
Theo ông Phan Thanh Trị, tàu bị sự cố hệ thống tời, cẩu gồm: hỏng máy tời, gãy trụ cẩu, đứt dây cáp treo; hệ thống hầm cấp đông không sử dụng được, không đủ công suất lạnh. Máy phát điện đang hoạt động thì ngưng do quá nhiệt, chủ tàu tự khắc phục bằng cách thay hệ thống làm mát có dung tích lớn hơn.
Ông Nguyễn Trọng Tú, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Đông Á cho biết, sau khi được chủ tàu thông báo khi sự cố xảy ra, công ty đã phối hợp và giải quyết từng sự cố và đến thời điểm này đã khắc phục.
Riêng về bảo hiểm tàu cá của ông Phan Thanh Trị do Công ty Bảo Minh Phú Yên thực hiện đã không chi trả bảo hiểm khi cây sào chụp lưới trước mũi tàu bị gãy và bóng đèn trang bị trên tàu bị vỡ.
Ông Trần Đình Vũ, Trưởng phòng giám định bồi thường thuộc Công ty Bảo Minh Phú Yên khẳng định: “Đây là những ngư lưới cụ không mua bảo hiểm nên không được bồi thường”.
Ông Nguyễn Trọng Tú, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Đông Á, tại buổi đối thoại. |
Liên quan đến việc bảo hiểm, ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết: “Trong chính sách bảo hiểm lấy tổng giá trị toàn bộ giá trị của con tàu đóng mới là 18 tỷ gồm bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ trên con tàu. Như vậy nó vẫn thuộc đối tượng bảo hiểm phải chi trả. Đề nghị Bảo Minh phải xem xét lại”.
Kết luận buổi đối thoại, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã đánh giá cao sự tự khắc phục của các chủ tàu; tinh thần, thái độ hợp tác tốt của đơn vị đóng tàu mỗi khi tàu có sự cố để nhanh chóng tìm hiểu cùng khắc phục. Đề nghị đơn vị đóng tàu tiếp tục phối hợp với các chủ tàu cử cán bộ chuyên môn đi theo trên một chuyến biển để hướng dẫn ngư dân vận hành tàu cũng như tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục nếu các sự cố xảy ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cử cán bộ chuyên môn đi theo giám sát cùng chuyến biển để phối hợp xử lý tình huống nếu sự cố xảy ra.
Về việc Bảo Minh không chi trả bảo hiểm cho tàu cá ông Phan Thanh Trị, theo Phó chủ tịch Trần Hữu Thế, Bảo Minh không thực hiện đúng theo Điều 5 của Nghị định 67 về chính sách bảo hiểm. Ông Thế đã chỉ đạo Sở Tài chính Phú Yên nhanh chóng báo cáo lên Bộ Tài Chính cũng như các cơ quan Trung ương có liên quan để có ý kiến chính thức.