Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Giá trị của đa dạng sinh học thể hiện ở khía cạnh thẩm mỹ, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, giúp nâng tầm hiểu biết của con người. Ở Việt Nam, nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học phong phú là chốn tâm linh giúp con người giảm căng thẳng, yêu thiên nhiên hơn. Nền đạo đức Phật giáo là lòng yêu thương thực sự đối với mọi sinh linh. Trong ngũ giới của Phật giáo, có điều khoản không săn bắt động vật, phá hoại thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở nhiều cấp độ khác nhau.
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường, tích cực tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các tăng ni, phật tử về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, hiểm họa nghiêm trọng của việc ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đối với đời sống con người. Giáo hội Phật giáo đã đề nghị không đốt vàng mã trong tất cả các cơ sở của Giáo hội bởi quá lãng phí về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Năm 2018, Giáo hội ký kết bản ghi nhớ hợp tác Chi cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong việc thả con giống phóng sinh nhằm tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Giáo hội tuyên truyền cho các tăng ni trồng thêm cây xanh, cùng phật tử bảo vệ cây di sản, khuyến khích ăn chay, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, tiêu thụ có trách nhiệm, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường… Nhiều chùa tổ chức các khóa tu cho học sinh, sinh viên để tuyên truyền sống có trách nhiệm, bảo vệ môi trường. Năm 2018, chùa Bái Đính tổ chức 3 khóa tu cho 5.000 học sinh, sinh viên từ 30 tỉnh, thành phố tham gia. Năm 2019, chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc cũng sẽ tổ chức 3 khóa tu.
Thượng tọa Thích Minh Quang kiến nghị: Thời gian tới, nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, 3 giải pháp được xác định là cần có những chế tài cực kỳ nghiêm khắc với những hành vi hủy hoại, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tác nhân gây nên ô nhiễm môi trường là con người nên chỉ có con người mới giải quyết được, bởi vậy việc tuyên truyền phải thực sự đến được từng người dân, thay đổi nhận thức mới có thể thực hiện một cách triệt để. Tất cả mọi người sống theo lời dạy của Đức Phật, bớt tham, sân, si, hết lòng phụng sự tha nhân.