Qua đó nhìn nhận những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, đề xuất các giải pháp tiếp tục chỉ đạo, nhân rộng mô hình trong thời gian tới phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, mô hình “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” đã được Hội chỉ đạo triển khai thí điểm tại một số chợ như: chợ Thái Hà, chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Gối, chợ Mới, chợ Phùng (huyện Đan Phượng); chợ Thượng Thanh, chợ Kim Quan (quận Long Biên); chợ Giá (huyện Hoài Đức); chợ Chúc Sơn, chợ Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Bên cạnh đó, một số quận, huyện đã chủ động chỉ đạo thực hiện mô hình điểm như: Gia Lâm, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Xuân...
Bà Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, qua thời gian triển khai cho thấy, mô hình là cần thiết và hiệu quả đối với xã hội. Để mô hình tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, cần sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ; sự thống nhất về mặt nhận thức, nhất là các tiểu thương - những người trực tiếp triển khai tại chợ. Đặc biệt, địa phương cần chú trọng công tác truyền thông tới cả người bán và người mua, lựa chọn những phần việc phù hợp để huy động sức mạnh của toàn xã hội.
Sau khi tham quan mô hình “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại chợ Thái Hà (quận Đống Đa), nhiều đại biểu cho rằng, đã có sự thay đổi rất lớn về nhận thức và hành động của cả người mua và người bán hàng. Khuôn viên chợ gọn gàng, sạch sẽ hơn, thái độ của người bán hàng niềm nở. Thành công này còn có vai trò, sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền và các ngành chức năng.
Chia sẻ về phương pháp triển khai mô hình, bà Trần Thị Minh Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa cho biết, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, Hội luôn phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với các phòng chức năng của quận trong các bước, các khâu. Ngoài ra, công tác tuyên truyền theo nhiều hình thức đã được Hội triển khai để người bán và người mua hàng tại chợ Thái Hà nắm rõ, tự giác thực hiện. Cùng với nhiều hình thức hỗ trợ, động viên, các tiểu thương trong chợ Thái Hà đã hào hứng thực hiện mô hình, sắp xếp chợ gọn gàng, sạch sẽ, triển khai đầy đủ thủ tục pháp lý hợp pháp, các bộ nhận diện thương hiệu…
“Ra mắt được mô hình đã khó, việc duy trì phát huy hiệu quả mô hình còn khó hơn rất nhiều. Song, tôi tin rằng, với sự vào cuộc thường xuyên của các cấp chính quyền, chợ Thái Hà trên địa bàn sẽ ngày càng văn minh, an toàn, thu hút nhiều hơn người dân đến mua bán, kinh doanh tại chợ”, bà Trần Thị Minh Xuân chia sẻ.
Tại địa bàn huyện Thanh Trì, vào tháng 5/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tổ chức ra mắt mô hình điểm chợ Liên Ninh văn minh, an toàn, hiệu quả; ký cam kết với các tiểu thương và hộ kinh doanh trong, ngoài chợ về thực hiện xây dựng mô hình; đồng thời phát động nhân rộng mô hình trên toàn huyện. Hiện, Hội cơ sở đã ra mắt thêm 2 mô hình chợ văn minh, an toàn, hiệu quả tại xã Tứ Hiệp và xã Thanh Liệt.
Triển khai mô hình tại chợ Liên Ninh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với Đảng ủy, HĐND, UBND xã chỉ đạo Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động các tiểu thương, cán bộ, hội viên kinh doanh tại chợ thực hiện các hướng dẫn xây dựng mô hình; trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về vai trò vừa là chủ thể thực hiện vừa là người thụ hưởng khi xây dựng mô hình. Nhờ đó, đã khích lệ các tiểu thương, cán bộ, hội viên tự nguyện tham gia. Hội thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng, những khó khăn, vướng mắc của các tiểu thương; từ đó, phản ánh với cấp ủy, chính quyền và Hội cấp trên nghiên cứu, xem xét, giải quyết.
Có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống và văn hóa của người Hà Nội, chợ truyền thống đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến chuyển đổi mô hình kinh doanh, sự cạnh tranh của các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Với hơn 400 chợ và khoảng 90.000 hộ kinh doanh, trong đó đa phần tiểu thương là phụ nữ, chợ truyền thống hiện đang chiếm ưu thế hơn so với các trung tâm thương mại về tạo việc làm cho lao động cũng như kết nối cộng đồng dân cư và gìn giữ văn hóa truyền thống. Tuy vậy, những hạn chế còn tồn tại như: ứng xử thiếu văn minh trong mua bán, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, mất an ninh, an toàn cháy nổ và trật tự xã hội... đã và đang hạn chế sự phát triển của chợ, thách thức, yêu cầu thay đổi về phương thức quản lý, gìn giữ nét đẹp truyền thống của chợ.
Do đó, mô hình “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” sẽ góp phần xây dựng chợ truyền thống không chỉ là nơi mua bán, tạo sinh kế cho người dân, mà còn là nơi giao lưu, hội tụ về giá trị văn hóa bốn phương, mang lại cho Hà Nội sự giàu có về nhiều mặt, đặc biệt là góp phần hình thành văn hóa giao thương của đất Kinh kỳ.