Cuộc chiến trên Biển Barents - Kỳ 1

Không phải là một trận đánh khốc liệt gây tổn thất nặng nề cho cả đôi bên và cũng không có gì đáng chú ý về mặt chiến thuật, song cuộc chiến trên Biển Barents vào sáng 31/12/1942 vẫn tiếp tục là đề tài bàn luận sôi nổi của các sử gia và chiến thuật gia hải quân trong gần 60 năm sau đó. Cuộc chiến này còn để lại nhiều bài học lớn.

MỆNH LỆNH KHÓ HIỂU CỦA HITLER

Để có thể lý giải vì sao cuộc chạm trán này quy mô tuy nhỏ, trong đó phát xít Đức chỉ mất một tàu khu trục và phía Anh tổn thất một khu trục hạm cũ cùng một tàu quét thủy lôi, lại có những hệ quả sâu rộng đến vậy, chúng ta phải đi từ sự thiếu quyết đoán của Adolf Hitler (1889 - 1945) và tình hình của Tập đoàn quân thiết giáp số 4 (Đức) đang bị vây hãm ở Stalingrad (nay là Volgograd) thuộc miền Tây Nam nước Nga.

Tàu Friedrich Eckholdt bị đánh chìm.


Liên Xô khi đó đang phụ thuộc nặng nề vào trang thiết bị của phương Tây mà những khí tài này chỉ có thể được cung cấp thông qua tuyến đường biển nguy hiểm qua Biển Barents đến Murmansk, vùng cực Tây Bắc của Nga. Mùa hè, khối băng Bắc Cực tan chảy, co về vị trí cách North Cape của Na Uy 480 km, giúp các đội tàu có thể tránh xa các căn cứ không quân của Đức được bố trí rải rác dọc khu vực duyên hải. Tuy nhiên, những ngày hè dài lại khiến các đội tàu dễ trở thành mục tiêu tấn công của tàu ngầm đối phương. Ngược lại vào mùa đông, khối băng Bắc Cực mở rộng đến khu vực cách bờ biển chỉ 240 km, ngày ngắn khiến tàu ngầm Đức không còn đáng sợ song hoạt động không kích lại diễn ra thường xuyên hơn.

Không quân Đức đã đánh chìm một số lượng lớn thương thuyền của khối Đồng minh tại các vùng biển động, băng giá trên Biển Barents. Nhưng giờ đây, các phi đội máy bay tiêm kích và cường kích ngày càng teo tóp của Nguyên soái không quân Đức Hermann Goring (1893 - 1946) lại được huy động khẩn cấp để phục vụ Mặt trận miền Đông, hỗ trợ kế hoạch phá vỡ vòng kiềm tỏa ở Stalingrad. Nguồn tiếp tế của Nga sẽ bị các đội tàu ngầm và tàu nổi của phát xít Đức làm gián đoạn nếu họ dứt khoát làm như vậy. Và mùa đông là khoảng thời gian thích hợp nhất.

Nguyên soái Raeder và Hitler.


Cũng giống như Winston Churchill (Thủ tướng Anh trong các giai đoạn 1940 - 1945 và 1951 - 1955), Hitler tự coi mình là một chiến lược gia đại tài và vẫn thường tỏ ý hoài nghi giới tướng lĩnh và đô đốc của mình. Trước động thái một số lính biệt kích Anh đổ bộ vào Na Uy, Hitler tin rằng người Anh đang có kế hoạch tấn công Na Uy, và Thụy Điển sẽ phối hợp với Nga để tạo thế gọng kìm siết chặt các lực lượng của ông. Trong khi đó, Nguyên soái Hải quân Đức Erich Raeder (1876 - 1960) không đồng tình với quan điểm này và đã lập luận chính xác rằng bước đi tiếp theo của quân Đồng minh sẽ là xâm lược châu Phi. Hitler không cho là như vậy và quyết định đã đến lúc hạm đội tàu mặt nước của ông chứng minh "tác dụng” của mình.

Trong nhiều năm trước đó, Hitler đã đánh giá thấp hạm đội tàu mặt nước, cho đó là sự sao chép vụng về lực lượng hải quân Anh và tạo môi trường dung dưỡng các thành phần bất mãn và cách mạng. Tuy nhiên, bản thân ông cũng mâu thuẫn sâu sắc trong vấn đề này. Mặc dù thường xuyên gọi hạm đội tàu nổi là "của nợ" vô dụng, song ông lại có một niềm tin mãnh liệt vào khả năng của lực lượng này chặn đứng bất cứ âm mưu nào của Đồng minh nhằm xâm lược Na Uy hay tiếp viện cho Liên Xô. Nhưng, trên thực tế, một Hitler ngạo mạn lại hầu như chẳng am hiểu gì về chiến lược và tác chiến hải quân. Và chính sự hoài nghi lâu nay của ông đối với Kriegsmarine (Lực lượng Hải quân Đức quốc xã) đó sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng vào sáng 31/12/1942.

Đội tàu JW51-B của Đồng minh đã khởi hành từ Loch Ewe ở Scotland vào ngày 22/12, bao gồm 14 tàu buôn và tàu vận tải chở theo 200 bồn dầu, khoảng 2.500 xe tải, 125 máy bay, 18.000 tấn dầu nhiên liệu, 13.000 tấn nhiên liệu hàng không và 54.000 tấn các loại hàng hóa khác nhau. Đội tàu này do 6 khu trục hạm của Anh hộ tống dưới sự chỉ huy của Đại tá Robert St. V. Sherbrooke.

Hitler đã ra nghiêm lệnh cho Đô đốc Kubler, chỉ huy phụ trách hạm đội phương Bắc, rằng giờ đây khi hải quân đã được giao phó trách nhiệm kiềm chế khả năng của Đồng minh tiếp viện cho Nga, họ phải theo đuổi mục tiêu này đến cùng. Tuy nhiên, ông ta cũng lưu ý là phải hết sức cẩn trọng ngay cả khi đương đầu với những kẻ địch có sức mạnh tương đương, bởi không thể để các quân hạm chủ chốt phải hứng chịu bất cứ rủi ro lớn nào. Hitler còn dặn dò Kubler hãy cập nhật tình hình chi tiết về tất cả các hoạt động hải quân bởi ông ta luôn trăn trở về hạm đội của mình.

Nỗi lo này khiến người ta khó hiểu, bởi Hitler vẫn thường chê bai Lực lượng Hải quân Đức quốc xã là bao gồm toàn những kẻ lười nhác ỉ ôi, trong khi việc 230.000 lính Đức bị vây hãm ở Stalingrad dường như lại chẳng hề làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của ông.

Hơn nữa cụm từ "sức mạnh tương đương" có thể được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Một tàu khu trục với một chỉ huy giỏi và một thủy thủ đoàn tinh nhuệ có thể tương đương với một tàu tuần dương do một kẻ nhu nhược chỉ huy cùng với một thủy thủ đoàn vô kỷ luật. Do đó một mệnh lệnh khó hiểu là yêu cầu chiếu đấu quyết liệt nhưng cũng phải cẩn trọng tối đa chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Có lẽ bất cứ viên sĩ quan hải quân cấp thấp nào cũng có thể đưa ra lời khuyến cáo với Hitler rằng, trong những trận đánh hải quân lớn, phần thắng không thuộc về những kẻ quá thận trọng.

Kỳ 2: Trực chờ con mồi sập bẫy

Huy Lê
Cuộc chiến trên Biển Barents - Kỳ cuối
Cuộc chiến trên Biển Barents - Kỳ cuối

Tại Tổng hành dinh Wolfsschanze (Hang sói - từng được mệnh danh là pháo đài bất khả xâm phạm) của mình, Hitler đang trông ngóng tin tức từ Chiến dịch Cầu vồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN