HẠM ĐỘI TÀU NGẦM LÊN NGÔI
Tại Tổng hành dinh Wolfsschanze (Hang sói - từng được mệnh danh là pháo đài bất khả xâm phạm) của mình, Hitler đang trông ngóng tin tức từ Chiến dịch Cầu vồng.
Vào lúc 11 giờ 47 phút, tàu ngầm U-354 gửi về một báo cáo không rõ ràng nhắc đến một chiến thắng oanh liệt. Tuy nhiên đến buổi chiều ngày hôm sau, Hitler đã được biết về những tin tức mà hãng tin BBC (Anh) hân hoan loan tải.
Cuộc chiến trên Biển Barents. |
Bất chấp thực tế chính những mệnh lệnh đầy mâu thuẫn của mình là nguyên nhân chủ yếu khiến các chỉ huy Đức trên thực địa hành xử lúng túng và có phần nhút nhát, Hitler đã khiển trách Đô đốc Krancke, Đại diện Hải quân tại Bộ chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang Đức (OKW - gần tương đương với Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của Mỹ).
Nguyên soái Raeder đã bị triệu tập đến trụ sở OKW để nghe Hitler "lên lớp" gay gắt đến gần 1 tiếng rưỡi, đúng như những gì ông đã tiên liệu. Chiến dịch này chỉ càng xác nhận một điều mà Hitler đã có ác cảm từ lâu, đó là đội tàu mặt nước hoàn toàn vô dụng do lực lượng binh lính và chỉ huy kém cỏi.
Ba tàu chiến Tirpitz, Schleswig-Holstein và Schlesien, hai chiến hạm "bỏ túi" Scheer và Lutzow, các tuần dương hạm tác chiến Scharnhorst và Gneisenau, hai tuần dương hạm hạng nặng Hipper và Prinz Eugen cùng những tuần dương hạm hạng nhẹ Emden, Koln, Leipzig và Nurnberg sau đó đã bị cho ngừng hoạt động và được lệnh lập tức tháo dỡ, mặc dù một số vũ khí trên những tàu này sẽ có thể được chuyển đổi để trang bị cho lực lượng trên bộ. Nếu quyết định này được thực thi thì tàu hải quân lớn nhất của Đức khi đó sẽ là tàu khu trục và tất cả nguồn lực sẽ được dồn vào việc phát triển hạm đội tàu ngầm. Raeder được lệnh quay trở lại để xây dựng một kế hoạch triển khai.
Vị tổng chỉ huy Hải quân Đức không thể tin được là Hitler lại mạnh tay đến vậy, khiến cho hạm đội mà ông đã dày công và với bao hy sinh mất mát để xây dựng nay trở thành một đống phế thải. Do đó kế hoạch của ông khi trở lại là tìm cách cứu vãn hạm đội tàu mặt nước của Đức. Ông đã chỉ ra rằng mệnh lệnh của Hitler sẽ chỉ giải thể một lực lượng gồm 300 sĩ quan và 8.500 thủy thủ chuyên nghiệp. Khối lượng sắt thép tháo dỡ chỉ đáp ứng được 1/20 nhu cầu của Đức trong 1 tháng, trong khi việc tháo dỡ sẽ đòi hỏi tới 7.000 công nhân được điều động từ những nơi khác vốn cũng đang rất cần tới nguồn lao động này.
Hơn nữa tác động của toàn bộ quá trình này đối với hạm đội tàu ngầm sẽ không đáng kể. Ví dụ cho dù tất cả khối lượng sắt thép tháo dỡ sẽ được sử dụng để đóng tàu ngầm, thì mỗi tháng cũng chỉ đóng được 7 tàu mới. Và nếu các khẩu pháo được chuyển đổi thành những khẩu đội duyên hải, thì khẩu đội đầu tiên sẽ không thể sẵn sàng phục vụ trong ít nhất 1 năm. Ngoài ra, hầu hết các binh lính "nhàn rỗi" cũng không thể phục vụ trên tàu ngầm. Do đó, Raeder nhấn mạnh: "Đội tàu khu trục nhỏ hơn sẽ không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Việc cho ngừng hoạt động các tài sản lớn của chúng ta sẽ chỉ mang lại cho kẻ thù một chiến thắng nhàn hạ trong khi đối phương lại coi đây là sự thiếu ý chí của người Đức".
Tuy nhiên, Tư lệnh Không quân Đức Hermann Goring, một nhân vật chỉ chăm chăm bảo vệ các quyền lợi của Không quân mà không đếm xỉa gì đến những quân chủng khác, đã chỉ ra rằng việc bảo vệ các tàu mặt nước bỏ neo “bập bềnh vô dụng” tại các vịnh ở Na Uy đòi hòi phải bổ sung một số lượng lớn các chiến đấu cơ. Và những máy bay này lại được huy động từ Mặt trận miền Đông. Raeder sớm nhận ra Hitler sẽ không bao giờ chấp nhận đề xuất của ông và trong một hội nghị đã miễn cưỡng đệ đơn từ chức. Ngày 30/1/1943, ông từ bỏ cương vị chỉ huy và được bổ nhiệm giữ một chức vụ mang tính nghi lễ là Tổng thanh tra.
Mặc dù vị Đô đốc đầy tham vọng Karl Doenitz là một trong số những chỉ huy cấp thấp nhất trong Hải quân Đức, song ông này là chỉ huy lực lượng tàu ngầm vốn được Hitler “sủng ái” nên không có gì ngạc nhiên khi được bổ nhiệm làm người kế nhiệm Nguyên soái Raeder. Cũng giống như một số tướng lĩnh Không quân Mỹ tuyên bố có thể đánh thắng kẻ địch hoàn toàn bằng không quân, Doenitz cho rằng lực lượng tàu ngầm có thể giúp Đức giành chiến thắng trước quân Đồng minh.
Dưới thời Doenitz, Hải quân Đức thiên về tác chiến bằng tàu ngầm. Mặc dù vẫn là mối đe dọa đáng kể song lực lượng này sau đó đã mất dần tính hiệu quả. Doenitz cũng đã thừa nhận cần phải giữ lại các chiến hạm Tirpitz và Scharnhorst. Hitler cực kỳ tin tưởng ở Doenitz bởi hạm đội tàu ngầm của ông này đã mang lại những kết quả nhất định, nên quyết định hoãn việc thải hồi hai chiến hạm trên. Các soái hạm khác sau đó cũng "thoát nạn", nhưng bị tuyên bố là "lỗi thời".
Trớ trêu thay, trong lần tiếp theo Scharnhorst ra khơi, con tàu đã không may tấn công phải một đội tàu tiếp tế có sự hộ tống của hàng loạt chiến hạm là ONSLOW, ORWELL, SHEFFIELD, JAMAICA và DUKE OF YORK. Các tàu tuần dương của Đô đốc Burnett đã phát hiện ra Scharnhorst và trong một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức, chiếc tuần dương hạm của Đức đã bị DUKE OF YORK đánh chìm.