Cuộc chiến trên Biển Barents - Kỳ 3

MÀN “BẮN GÀ” TRẬT LẤT 

Đại tá Sherbrooke quyết định cho tàu của mình và tàu ORWELL bí mật bám đuôi Hipper, đồng thời duy trì mối đe dọa bằng hỏa lực ngư lôi vốn là mối lo ngại duy nhất của Kummetz đối với hai tàu khu trục Anh.

Trong khi đó, những chiến hạm còn lại trong đội tàu của Sherbrooke được điều đi bảo vệ các tàu hàng. Ông biết rằng chỉ cần liên tục làm cho Hipper phải "bận tâm", tàu này sẽ không thể liều lĩnh gây nguy hiểm cho đội tiếp tế. Theo chiến thuật này, tàu Hipper và các tàu khu trục của Sherbrooke đã có những màn đấu súng hú họa, thiếu chính xác do tầm nhìn kém, giá đạn bị đông cứng và nòng pháo bị băng tuyết phủ đầy.

Tương quan lực lượng giữa hai bên tham chiến trên Biển Barents.


Cuối cùng tàu Hipper di chuyển lên phía Bắc hòng dụ các tàu khu trục Anh bám theo. Nhưng nỗ lực này bất thành, con tàu đã quay đầu trở lại và nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn đã có thể giáng những cú đòn hiểm vào tàu ONSLOW. Một quả đạn pháo đã phá hủy ăngten radar. Hàng nghìn mảnh vỡ bắn tứ tung vào đài chỉ huy trên tàu. Một mảnh găm vào đầu Sherbrooke, khiến ông bị tổn thương nghiêm trọng ở mắt và một bên gò má.

Ban đầu, không ai trong đài chỉ huy biết Sherbrooke bị thương bởi ông vẫn gắng ra lệnh với giọng điềm tĩnh. Một sĩ quan đứng gần sau đó phát hiện trên người có vết máu lại tưởng mình bị trúng đạn, nhưng đã sớm nhận ra Đại tá Sherbrooke mới là người bị thương nặng. Tuy nhiên, vị chỉ huy rắn rỏi này đã từ chối được chăm sóc y tế cho đến khi quyền chỉ huy đội tàu được chuyển giao hoàn toàn cho Đại úy D. C. Kinloch trên tàu OBEDIENT.

Khu vực radar và tháp chỉ huy bị phá hủy trên tàu ONSLOW.


Đòn tấn công này đã khiến 47 thủy thủ trên tàu ONSLOW thương vong và với lòng dũng cảm của mình, Sherbrooke sau đó đã được trao tặng Huân chương Victoria. Trên tàu Hipper, Đô đốc Kummetz không hề biết rằng ông đã ra một đòn chí mạng (vào tàu ONSLOW) trước khi chuyển hướng chú ý sang tàu OBEDIENT. Tàu này đã táo bạo khai hỏa trước, dẫn đến một màn đọ súng ngắn, trong đó Kummetz lại dường như thu hồi mệnh lệnh để tránh những rủi ro không cần thiết.

Mặc dù đây là cuộc chạm trán giữa một bên là tàu tuần dương hạng nặng với một bên chỉ là tàu khu trục, song Kummetz biết rõ rằng tàu khu trục của Anh đang sở hữu tới 8 ngư lôi chưa sử dụng, trong khi tàu của ông lại không có khả năng chống lại mối đe dọa này. Hơn nữa, các quả đạn pháo 8 inch (20 ly) của Anh có hiệu quả sử dụng cao trong khi đạn pháo của phía Đức hoàn toàn không đáng tin cậy.

Lúc này, các tàu tuần dương SHEFFIELD và JAMAICA của Đô đốc Burnett bỗng nhiên xuất hiện, khiến Kummetz càng lâm vào thế khó. Tàu SHEFFIELD nổ súng trước với một vài loạt đạn, khiến tàu Hipper bị hư hại ít nhiều. Kummetz tìm cách chạy vòng và nhả khói nhưng trước khi làm được điều này Hipper lại dính thêm hai đòn nữa. Một lần nữa, bị tê liệt bởi những mệnh lệnh gò bó của Hitler, Kummetz quyết định mình không thể đối mặt với rủi ro mà nhà lãnh đạo Đức sẽ cho là không thể chấp nhận, do đó đã ra lệnh ngừng bắn và nhanh chóng rút lui tất cả các đơn vị.

Tuy nhiên, Burnett không chịu sự hạn chế nào trong việc tham chiến. Vào lúc 11 giờ 33 phút, các tàu khu trục Friedrich Eckholdt và Richard Beitzen của Đức lầm tưởng các tàu SHEFFIELD và JAMAICA là Hipper và Lutzow nên đã cố gắng liên lạc với hai tàu này. Đến khi các chỉ huy Đức nhận ra sai lầm của mình thì đã muộn, những giàn pháo trên hai tàu Anh đồng loạt khai hỏa.

Tàu Friedrich Eckholdt đã bị bắn thẳng vào giữa thân tàu và chìm nghỉm chỉ trong vòng chưa đầy hai phút. Trong khi đó tàu Richard Beitzen đã kịp thời tẩu thoát. Màn chạm trán này đã đưa các tàu tuần dương của Anh đến vị trí phía Bắc đội tàu tiếp tế và mất dấu tàu Hipper, lúc đó đang gấp rút di chuyển về phía Tây Nam để hợp lực với tàu Lutzow.

Trong khi đó, Đại tá Stange trên tàu Lutzow đã xác định được một số mục tiêu tiềm tàng trong đội tàu tiếp tế qua làn khói mù. Chiếc gần nhất cách 4,5 km và chiếc xa nhất là 10 km, cho phép Stange có thể thỏa sức thực hiện “màn bắn gà” trên biển. Tuy nhiên, mặc dù tầm bắn của pháo trên tàu Lutzow lên đến hơn 20 km nhưng Stange lại không thể bắn trúng đích phát nào với loạt 87 quả đạn 28 ly và 75 quả đạn 15 ly. Stange đã bỏ lỡ một cơ hội cực kỳ hiếm có đối với một chỉ huy hải quân. Toàn bộ 14 tàu hàng vẫn đến được đích ở Liên Xô trong trạng thái nguyên vẹn.

Thật mỉa mai là chiến thuật Chiến dịch Cầu vồng của Đô đốc Kummetz lại phát huy tác dụng. Chính tàu Hipper đã làm mồi nhử chi phối đội hộ tống còn các tàu chở hàng quay đầu về phía Nam đi theo tuyến đường mà tàu Lutzow đã trực chờ mai phục. Thế nhưng hai chiếm hạm "nặng ký" của Đức lại chiến đấu quá dè chừng, mặc dù cũng phải thừa nhận có những lúc họ gặp trở ngại do tầm nhìn bị hạn chế.

Khi rút về căn cứ hải quân ở Altenfjord, Stange buồn bã viết trong nhật ký chiến tranh của mình: "Khi chúng tôi rút khỏi khu vực tham chiến, thật khó có thể nuốt trôi cái cảm giác khi mà tình hình dường như đang có lợi cho chúng tôi, thì chúng tôi lại không thể tiếp cận đội tàu tiếp tế và không thu được bất cứ chiến tích nào".

Kỳ cuối: Hạm đội tàu ngầm lên ngôi

Huy Lê
Cuộc chiến trên Biển Barents - Kỳ cuối
Cuộc chiến trên Biển Barents - Kỳ cuối

Tại Tổng hành dinh Wolfsschanze (Hang sói - từng được mệnh danh là pháo đài bất khả xâm phạm) của mình, Hitler đang trông ngóng tin tức từ Chiến dịch Cầu vồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN