Kể từ năm 1951, Mỹ đã sử dụng các trạm phát thanh và TV để truyền tải thông tin khẩn cấp. Hệ thống này bắt nguồn từ những nỗi lo sợ thời Chiến tranh Lạnh. Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô bị đóng băng, giới chức quốc phòng quyết định tạo ra một hệ thống không chỉ cho phép chính quyền truyền tải thông tin tới người dân Mỹ, mà còn làm hoang mang máy bay của Liên Xô.
Trung tâm Kiểm soát Bức xạ Điện từ đã được thiết kế để nhanh chóng tắt các trạm phát thanh tại Mỹ rồi sau đó chọn lọc một số để chuyển thông tin quốc phòng dân sự để nhằm mục đích ngăn chặn máy bay bay trên không phận Mỹ sử dụng tín hiệu phát thanh để định vị.
Bên trong Trung tâm Hoạt động Chiến đấu tại Bộ Tư lệnh Không gian Vũ trụ Bắc Mỹ. |
Năm 1963, hệ thống này được nâng cấp lên thành Hệ thống Phát thanh Khẩn cấp (EBS). Hệ thống mới này được sử dụng trong tình huống khẩn cấp quốc gia và phát thông tin về thời tiết, thiên tai ở cấp độ địa phương. Nếu một tình huống khẩn cấp toàn quốc xảy ra, báo động sẽ ngay lập tức được phát đi trên cả nước từ Trung tâm Cảnh báo Quốc gia đặt bên trong trụ sở Bộ Tư lệnh Không gian Vũ trụ Bắc Mỹ nằm sâu trong núi Cheyenne. Một khi EBS được kích hoạt, tổng thống Mỹ có thể thông báo trước toàn quốc trong vòng 10 phút. Và đó là kế hoạch mà chính phủ Mỹ chuẩn bị cho tình huống chiến tranh hạt nhân.
Hệ thống này đều được kiểm tra kỹ thuật vào mọi thứ Bảy. Tuy nhiên vào ngày thứ Bảy 20/2/1971, một thông điệp thực sự - không phải là thử nghiệm – đã phát ra từ mạng lưới điện báo đặc biệt nằm trong tất cả các trạm truyền hình và phát thanh vào lúc 10h33 sáng. “Thông tin xác thực: hận thù, hận thù. Đây là một thông báo hành động khẩn cấp do Tổng thống chỉ đạo. Phát thanh bình thường sẽ dừng ngay lập tức”.
“Hận thù” (hatefulness) chính là từ mật được gửi đến các phát thanh viên để xác nhận tình huống cần thông báo khẩn cấp. Đó không phải một cuộc diễn tập nữa. Ngay lập tức, các phát thanh viên bắt tay vào hành động. Họ điềm tĩnh đọc một bản phát thanh đặc biệt của liên bang, thông báo tới người nghe rằng họ dừng chương trình phát thanh bình thường lại theo yêu cầu của chính phủ.
Tờ Variety viết: “Sự điềm tĩnh của ngành công nghiệp truyền thanh – và đất nước ở trong tình trạng hỗn loạn. Một số đài phát thanh thông báo rồi tắt sóng theo yêu cầu khiến người nghe rơi vào tình trạng bối rối. Một số đài không nắm được cảnh báo cho tới khi nó bị hủy bỏ. Một số thì vội tắt sóng mà chẳng kịp đọc cảnh báo”.
Cảnh hỗn loạn đã bao trùm bên ngoài các trạm phát thanh. Người dân hoảng hốt gọi điện thoại đến trạm để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Những người khác túm tụm xung quanh chiếc TV, lo sợ về điều tồi tệ nhất. Phải chăng Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô?
Bộ Tư lệnh Không quân Bắc Mỹ nằm trong núi Cheyenne. |
Trong khi đó, các nhà chức trách cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra. Họ gọi tới Lầu Năm Góc để yêu cầu giải thích. Khi trung tâm cảnh báo nhận ra điều vừa làm, các nhân viên vội vàng tìm kiếm từ khóa mật để dừng các trạm phát, song họ lại không tìm thấy nó. Họ đã cố gắng hủy bản thông báo 6 lần nhưng đều thất bại.
Cuối cùng, hơn 40 phút sau lần phát tin đầu tiên, Cơ quan Phòng vệ Dân sự đã gửi một tin nhắn báo hoãn với từ khóa chính xác là “tinh quái” (impish) tới các phát thanh viên. Cuộc thử nghiệm lớn đầu tiên (và thất bại) của EBS đã kết thúc. Các chương trình phát thanh thông thường lại được tiếp tục và người Mỹ khi đó mới thở phào nhẹ nhõm. Trong hơn 40 phút ngày 20/2/1971, người dân Mỹ đã bị “đánh lừa” rằng nước này đã rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Phía Cơ quan Phòng vệ Dân sự giải thích rằng một người trực tổng đài ở EBS có tên W.S. Eberhardt đã mở nhầm cuộn băng. Hay tin, giới phát thanh viên đã vô cùng giận dữ: “Toàn bộ mạng lưới này sẽ không hoạt động”, một nhân viên phát thanh tức tối nói, “Người ta có thể ném bom H vào chúng ta”.
Công chúng cũng nổi giận. Rõ ràng rằng hệ thống thông tin khẩn cấp đầu tiên của nước Mỹ không thiết thực như người ta vẫn đánh giá. “Liệu một ‘lỗi con người’ tương tự - ở Mỹ hay ở Liên Xô – sẽ đưa vũ khí Mỹ hoặc Liên Xô vào hành động?”, tờ New York Times đặt câu hỏi.
Đáp lại vụ hỗn loạn trên, các quan chức đã thay đổi cách tiến hành thử nghiệm tính sẵn sàng của hệ thống cảnh báo khẩn cấp. Ngôn ngữ thử nghiệm được thay đổi, các trạm phát thanh có thể phát thông điệp khẩn cấp theo bất cứ cách nào họ chọn, bao gồm cả dưới dạng một bài hát. Năm 1997, hệ thống này đã được nâng cấp lên thành Hệ thống Báo động Khẩn cấp (EAS).