Bệnh khảm lá trên cây sắn lan rộng ở Bình Định

Bệnh khảm lá trên cây sắn lan rộng tại nhiều địa phương của tỉnh Bình Định làm giảm năng suất và chất lượng củ sắn. Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc điều trị hiệu quả bệnh này nên ngành chức năng đang tính phương án thay thế giống mới.

Gia đình anh Đinh Văn Châu, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh trồng giống sắn KM94 trên diện tích 2.000 m2 từ đầu năm đến nay. Hiện cây đang trong giai đoạn hình thành và phát triển củ. Tuy nhiên hơn một nửa diện tích sắn đã bị bệnh khảm lá.

Anh Châu cho biết, những năm trước bệnh khảm lá cũng xuất hiện trên cây sắn nhưng chỉ ở một vài cây nhưng năm nay bệnh xuất hiện nhiều. Anh đang lo lắng khi thu hoạch, cây sắn cho năng suất thấp hơn mọi năm và hàm lượng tinh bột trong củ ít hơn thông thường.

Huyện miền núi Vân Canh có tổng diện tích trồng sắn trên 600 ha, nhưng bệnh khảm lá đã tấn công đến 25% tổng diện tích. Các diện tích sắn bị bệnh này tập trung ở các xã Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Thuận và thị trấn Vân Canh.

Ông Nguyễn Minh Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh cho biết: “Bệnh khảm lá trên cây sắn xuất hiện tại địa phương với tỷ lệ khá cao. Những nơi bị nặng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng của củ sắn. Hàm lượng tinh bột thấp được các nhà máy thu mua giá rẻ hơn”.

Ngoài huyện Vân Canh, bệnh khảm lá trên cây sắn còn lan rộng tại nhiều địa phương khác như: huyện Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, thị xã Hoài Nhơn… với tổng diện tích trên 400ha.

Các giống sắn được nông dân trồng nhiều nhất là: KM94, KM419, HLS11. Qua ghi nhận, tất cả các giống này đều đã bị nhiễm bệnh khảm lá và đặc biệt, giống HLS11 bị nhiễm nặng.

Hiện nay, tổng diện tích trồng sắn của nông dân tại Bình Định ở cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu trên 10.000 ha. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, bệnh khảm lá càng làm cho cây sắn cằn cỗi. Bên cạnh đó, các loại côn trùng phát triển mạnh cũng là nguyên nhân lây lan bệnh trên diện rộng. Trong khi đó, người dân lại có thói quen giâm hom cây giống cho vụ sau nên khó tiêu diệt được mầm bệnh.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định, bệnh khảm lá trên cây sắn hiện chưa có thuốc điều trị nên ngành chức năng khuyến cáo người dân không sử dụng giống sắn đã nhiễm bệnh cho vụ sau. Hoặc, trồng sang vùng chưa nhiễm bệnh, đặc biệt không sử dụng lại giống HLS11.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu giống sắn có thể kháng bệnh để thay thế cho các giống nhiễm bệnh tại địa phương.

“Đối với diện tích sắn đã nhiễm bệnh, trong quá trình làm cỏ, bón phân, người dân cần hạn chế tạo vết thương cho cây sắn, vì virus có khả năng lây lan từ cây bệnh sang cây khỏe qua các vết thương. Ngoài ra, nông dân cần tích cực diệt trừ côn trùng làm lây lan bệnh”, ông Cang chia sẻ.

Tường Quân (TTXVN)
Gia Lai: Hơn 1.000 ha sắn bị bệnh khảm lá
Gia Lai: Hơn 1.000 ha sắn bị bệnh khảm lá

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 12/7, tỉnh Gia Lai đã có 1.021,85 ha sắn bị bệnh khảm lá và tập trung nhiều nhất tại các huyện An Khê, Ia Pa, Krông Pa. Theo đánh giá, bệnh khảm lá sắn rất nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và rất khó phòng trừ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN