Với số lượng tàu cá nhiều nhưng đến nay tỉnh Bình Định mới xây dựng và nâng cấp 2 cảng cá kết hợp với nơi neo đậu tàu thuyền ra vào thường xuyên cũng như mỗi khi vào trú tránh bão là cảng Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát và cảng cá Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn.
Trong khi đó, cảng cá Tam Quan, huyện Hoài Nhơn là cảng cá cũ, chưa được nâng cấp mở rộng, lượng tàu thuyền ra vào càng ngày càng nhiều, nhất là khi ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và bão trên biển … gây mất an toàn. Mặt khác, cảng cũ đến nay vẫn không đáp ứng nhu cầu về dịch vụ hậu cần nghề cá để ngư dân thuận lợi ra vào sau từng chuyến biển.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, ông Nguyễn Chí Công cho rằng, Hoài Nhơn có thế mạnh về phát triển kinh tế biển, trong khi đó năng lực của cảng Tam Quan chỉ đáp ứng được dưới 2/3 số lượng tàu cá hiện có của huyện, chưa kể mỗi khi mưa bão có hàng trăm tàu của các tỉnh vào neo đậu, nên sự quá tải ngày càng lớn.
Ngoài ra, cửa biển ra vào cảng này trong nhiều năm nay đều bị cát bồi lấp nặng và chính quyền địa phương cho nạo vét nhưng chỉ là biện pháp tức thời, ít lâu sau cửa vào cảng lại bị bồi lấp trở lại nên tàu thuyền ra vào nguy hiểm gây ra hàng chục tàu bị lật, bị chìm hư hỏng nặng.
Vì vậy, nhiều tàu thuyền, nhất là các tàu vỏ thép sau khi hạ thủy đã rời vào neo đậu và ra vào tại các cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh- huyện Phù Cát và cảng cá phường Hải Cảng - Quy Nhơn khiến các cảng cá này cũng bị quá tải và nguy cơ mất an toàn rất cao, nhất là mỗi khi sóng to gió lớn.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Châu, chủ tàu vỏ thép BĐ 99169-TS xã Cát Khánh, huyện Phù Cát cho hay, đến nay tàu thuyền ra vào cảng Đề Gi rất khó khăn, chật chội, nguy cơ va đập mất an toàn rất cao. Hai năm trở lại đây tàu cá tại các địa phương khác cũng ra vào cập cảng, làm dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng nhiều nên dù cảng cá này mới được đầu tư nâng cấp trên 45 tỷ đồng, nhưng đến nay đã bị quá tải.
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá phường Hải Cảng - Quy Nhơn thì quy mô của cảng rộng 3,5 ha. Hiện nay, bình quân tàu thuyền vào neo đậu khoảng 150 lượt chiếc/chuyến biển. Tuy nhiên, gần đây lượng tàu thuyền tại các địa phương trong tỉnh di chuyển vào neo đậu và làm dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng này với nhu cầu rất lớn gây ra quá tải, thời điểm mưa bão thì có trên 1.000 tàu thuyền từ trong và ngoài tỉnh vào neo đậu tránh trú bão gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã kiến nghị nhiều lần với Chính phủ và các bộ ngành Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng cảng cá Tam Quan, kết hợp chống bồi lấp cửa biển Tam Quan từ nguồn vốn JICA (Nhật Bản).
Mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người và tài sản ngư dân tỉnh trong mùa mưa bão, kết hợp phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác thủy sản bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và tạo điều kiện công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Theo đó, quy mô đáp ứng cho khoảng trên 2.000 tàu có công suất lớn đến 1.000 CV ra vào cảng thuận lợi an toàn. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 825 tỷ đồng và dự kiến thời gian thực hiện trong 5 năm kể từ khi dự án được phê duyệt. Mới đây lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ( JICA) tại Hà Nội và thống nhất trình Chính phủ cho chủ trương vay vốn DA của Chính phủ Nhật Bản để sớm xây dựng dự án.
Cảng cá Tam Quan là thuộc hệ thống cảng cá quốc gia loại 2. Nếu được đầu tư xây dựng sẽ góp phần hiện đại hóa nghề khai thác chế biến hải sản của tỉnh; đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn tỉnh Bình Định cũng như giải bài toán quá tải cho hệ thống cảng cá trên địa bàn tỉnh.