Cụ thể, giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải công bố 26 nhà thầu nằm trong “danh sách đen”. Tuy nhiên, ngày 27/5, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông lại phải ký văn bản đưa Vinawaco ra khỏi danh sách trên.
Trao đổi với ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vinawaco (trước đây là tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải, nay đã cổ phần hóa, thoái hết vốn Nhà nước) khẳng định, trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã có sự nhầm lẫn khi đưa Vinawaco vào “danh sách đen”.
Ông Ngô Văn Tuấn cho biết, sau khi danh sách được công bố, Tổng công ty đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, trong đó nêu rõ: “Cơ quan xếp loại đã đưa kết quả của Công ty Thi công Cơ giới và Dịch vụ gộp chung vào kết quả cho chúng tôi. Trước đây, công ty này trực thuộc Vinawaco, nhưng năm 2012 đã thoái vốn hoàn toàn”.
Việc đưa Vinawaco vào “danh sách đen” chủ yếu căn cứ kết quả tại gói thầu 6A thuộc dự án cải tạo luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu. Gói thầu này khởi công năm 2009 rồi hoãn đến năm 2014 theo chương trình dừng, dãn tiến độ của Chính phủ. Gói thầu có ba nhà thầu tham gia, trong đó có Vinawaco, Công ty Thi công Cơ giới và Dịch vụ. Sau khi khởi công lại vào năm 2015, Công ty Thi công Cơ giới và Dịch vụ rút khỏi gói thầu này. Ông Ngô Văn Tuấn cho hay: “Tại dự án sông Hậu, không những làm hết phần việc của mình, chúng tôi còn nhận thêm khối lượng; không thể bị xếp loại yếu được”.
Ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ trì xếp hạng nhà thầu) cho biết, việc đưa Vinawaco ra khỏi danh sách đen dựa trên kết quả xác minh của Ban Quản lý dự án Hàng hải (cơ quan quản lý dự án cải tạo luồng tàu vào sông Hậu).
Ông Trần Anh, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Hàng hải cho biết, việc Ban có công văn đề nghị đưa Vinawaco ra khỏi “danh sách đen” là do thời điểm cuối năm 2015, dự án cải tạo luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu đang trong giai đoạn hoàn thành, chuẩn bị thông luồng kỹ thuật, Ban Quản lý dự án Hàng hải không có đủ thời gian và có một số đánh giá khắt khe với các nhà thầu trong quá trình thực hiện.
“Sau khi kiểm tra, đánh giá tổng thể trên kết quả hoàn thành của toàn dự án. Riêng phần việc của Vinawaco tại gói 6A, tính đến thời điểm kết thúc hợp đồng tháng 10/2015 mà không tính khối lượng phát sinh, nhà thầu đã hoàn thành 90,4% khối lượng hợp đồng. Vì vậy Ban Quản lý dự án Hàng hải xin đánh giá lại nhà thầu Vinawaco 'lỗi' với tiêu chí “tiến độ thi công thực tế chậm >20% so với tiến độ thi công chi tiết được chấp thuận”. Tổng thể nhà thầu Vinawaco có 10 tiêu chí đáp ứng yêu cầu, 4 "lỗi", ông Trần Anh lý giải.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinawaco Ngô Văn Tuấn cho biết: “Sau khi phản ánh, Bộ Giao thông Vận tải đã thay đổi đánh giá. Nếu không thay đổi, tôi đã khiếu nại vì vào danh sách nhà thầu không đạt yêu cầu thì không ai chơi. Tới đây, Bộ Giao thông Vận tải nên để doanh nghiệp bị đánh giá kém tham gia phản biện, tranh luận trước khi công bố”.
Trước đó, năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải cũng phải ra quyết định đưa bốn nhà thầu ra khỏi danh sách các nhà thầu không đạt yêu cầu sau khi đã công bố.