Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, mới đây Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã chia sẻ với báo chí về ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi công tác giảm nghèo là một chủ trương lớn, thường xuyên, lâu dài, liên tục và xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đất nước. Để giúp người dân và cộng đồng "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no", thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo" vào năm 2030, một trong những giải pháp quan trọng mà Đảng, Nhà nước đưa ra là giúp người nghèo sinh kế ổn định để có thu nhập tốt hơn, từ đó vươn lên thoát nghèo.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thời gian qua công tác giảm nghèo của nước ta đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp, được quốc tế đánh giá điểm sáng. Tuy vậy, cấp ủy, chính quyền một số nơi vẫn chưa quan tâm, chưa tập trung cho công tác giảm nghèo dẫn đến giảm nghèo chưa bền vững, chưa toàn diện, tái nghèo.
Vì thế, việc Ban Bí thư ra Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 có ý nghĩa rất quan trọng. Đảng đã xác định, tập trung chỉ đạo giảm nghèo phải từ Trung ương xuống đến địa phương. Nhà nước, chính quyền địa phương phải có những chính sách, phương pháp và dồn nguồn lực để giúp cho người dân tự vươn lên thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải tập trung cho công tác giảm nghèo, coi giảm nghèo là chủ trương lớn, lâu dài, xuyên suốt.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho hay, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra 5 nội dung trọng tâm cho công tác giảm nghèo, gồm: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác, nội dung giảm nghèo; tập trung chỉ đạo, lãnh đạo để thực hiện tốt công tác giảm nghèo; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác giảm nghèo; tăng cường nguồn lực cho công tác giảm nghèo; tăng cường hiệu lực, hiệu quả về quản lý Nhà nước đối với công tác giảm nghèo.
"Đối với việc tăng cường nguồn lực và tăng cường hiệu lực, hiệu quả về quản lý Nhà nước về giảm nghèo, chúng tôi đang trình Quốc hội thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và sẽ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thực hiện Mục tiêu giảm nghèo đến năm 2030", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Đề cập đến chiến lược mới về giảm nghèo của Đảng thể hiện trong Chỉ thị số 05-CT/TW, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, đó là sự đổi mới cách tiếp cận trong giảm nghèo. Sự đổi mới này thể hiện từ ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo…
Nêu rõ chiến lược mới về giảm nghèo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ: Cách tiếp cận mới về giảm nghèo là giúp người nghèo tự vươn lên "giảm việc cho trực tiếp, cho không". Cách tiếp cận này sẽ giúp cho người nghèo xác định phải tự tự lực, tự cường vươn lên để thoát nghèo.
Chia sẻ về mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, trong bối cảnh cả nước hiện còn tồn tại 62 huyện nghèo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: Muốn thực hiện được mục tiêu, trước hết là chúng ta phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng lõi nghèo, vùng khó khăn. Có cơ sở hạ tầng thuận lợi, người dân sẽ có điều kiện tốt hơn trong sản xuất kinh doanh cũng như trong đời sống. Đồng thời huy động nguồn lực để giúp cho người dân ổn định sinh kế vươn lên thoát nghèo thông qua việc có thu nhập tốt hơn.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, sự trợ giúp của Nhà nước sẽ hướng vào xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nghèo, giúp người nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận và phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương. Giải pháp tăng cường giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ giúp người dân có nghề nghiệp, có việc làm, có thu nhập để thoát nghèo. Nguồn vốn từ chính sách tín dụng xã hội cho người nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ giúp người dân có điều kiện thuận lợi hơn để tự sản xuất, tự kinh doanh để tự vươn lên thoát nghèo, tiến tới khá giả.
"Với cách làm này thì người dân nhận thức được họ phải tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Cũng chỉ có như vậy thì người dân mới thoát nghèo bền vững, giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo cũng như phát sinh nghèo còn các địa phương sẽ không còn những huyện nghèo, xã khó khăn", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.