Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong đó có giá nhóm thực phẩm được dư luận quan tâm. Ảnh minh họa: An Hiếu-TTXVN |
Chiều 19/10, ông Trần Tuấn Hưng, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ thống kê và công nghệ thông tin (Tổng cục Thống kê – TCTK) cho biết: Luật Thống kê năm 2003 thực hiện trong 10 năm qua đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê, nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập.
Tại buổi họp báo của TCTK chiều 19/10, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng TCTK đã giới thiệu về ngày Thống kê thế giới 20/10.
Mục đích của ngày này sẽ tăng cường nhận thức của cộng đồng về công việc quan trọng mà những nhà thống kê thực hiện hàng ngày. |
Vì vậy tại Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) lần này sẽ bổ sung và làm rõ hơn phân tích và dự báo thống kê; tăng cường sự phối hợp giữa hệ thống thống kê tập trung với thống kê bộ, ngành; ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến…
Theo Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm, Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 đã quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê là bảo đảm độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, ép buộc, áp đặt làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê. Dự án Luật cũng quy định rõ quyền, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thống kê Trung ương và địa phương; bộ, ngành trong hoạt động thống kê; các điều khoản về sự phối hợp, chia sẻ thông tin, quy trình thu thập, xử lý dữ liệu; các điều khoản về ứng dụng công nghệ thông tin…
Liên quan tới những bất cập của Luật Thống kê năm 2003, ông Hưng cho biết thêm: Luật còn thiếu các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; công tác phân tích và dự báo thống kê phát triển chậm, phổ biến thông tin thống kê làm chưa tốt, vừa thiếu, vừa trùng chéo, trong một số trường hợp do phương pháp tính khác nhau dẫn đến chưa thống nhất về số liệu.