Tại hội nghị "Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam" do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức sáng 14/6, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, mặc dù cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã giúp nâng cao tỷ lệ hàng Việt trong các hệ thống siêu thị, nhưng hàng Việt tại các chợ truyền thống mới đạt được hơn 60%.
Lý giải nguyên nhân, bà Lê Việt Nga cho biết: Các siêu thị hiện nay đều có trung tâm thu mua hàng hóa, việc đưa hàng Việt vào hệ thống trong chuỗi bán lẻ rất thuận tiện. Tiếp theo nữa là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã sản xuất hàng hóa chất lượng, phân khúc giá cao hơn một chút so với trước nên hàng vào siêu thị mới đáp ứng thu lợi nhuận. Hàng hóa ở các chợ vùng nông thôn phần lớn là hàng tự cung tự cấp, gia đình sản xuất mang ra bán nên giá thành có phần thấp hơn.
"Hàng hóa bán ở chợ chưa bị “trói buộc” bởi các quy định hiện hành về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, dán tem… nên có kẽ hở để hàng trôi nổi lọt vào. Hàng trôi nổi không phải đóng thuế nên cạnh tranh không lành mạnh với hàng Việt. Người tiêu dùng nông thôn vẫn bị thói quen mua hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ", bà Lê Việt Nga cho biết thêm.
Để nâng tỷ lệ hàng Việt tại kênh phân phối truyền thống, bà Lê Việt Nga cho biết giải pháp cốt lõi là tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam và đưa ra các dòng sản phẩm có giá phù hợp với túi tiền và thị hiếu người tiêu dùng nông thôn.
"Bộ Công Thương từ nay đến năm 2020 có rất nhiều đề án, chương trình để hỗ trợ cho DN truyền thống, tôn vinh hàng Việt uy tín, tổ chức hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở vùng sâu vùng xa, tập huấn kĩ năng phân phối hàng Việt cho các hộ tạp hóa kinh doanh theo phương thức truyền thống tại chợ", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Các DN cũng phải quan tâm hơn nữa đến việc sản xuất hàng giá rẻ cho khu vực nông thôn. "Nói giá rẻ không đồng nghĩa với hàng chất lượng kém, mẫu mã kém bắt mắt. DN Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng khu vực nông thôn thì mới đánh bật được hàng trôi nổi", bà Lê Việt Nga nói.
Về phía các DN cho biết, hiện chưa có nhiều "sân chơi" giúp kết nối DN sản xuất hàng Việt với nhà phân phối. DN phải tự "bơi", tự tìm các mối quan hệ để đưa hàng vào hệ thống phân phối. DN mong muốn các Bộ ngành, Hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều chương trình giúp kết nối để DN có thể đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối bán lẻ.
Bộ Công Thương cho biết, sau 10 năm thực hiện "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ hàng Việt ở các hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam đã chiếm tỷ lệ cao như Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng). Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.