Đây là nội dung được Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đưa ra tại “Hội nghị đánh giá chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 khu vực phía Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại An Giang chiều 16/11.
Phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, tại khu vực phía Nam gồm 19 tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, hiện chỉ có 11/19 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; chỉ chiếm 18,07% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước; trong đó, Đông Nam Bộ còn 5/6 tỉnh, Đồng bằng sông Cửu Long còn 3/13 tỉnh chưa có kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Tại các tỉnh phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước, với 375 sản phẩm, chiếm 17,3%; trong đó, số lượng sản phẩm đạt 3 sao chiếm gần 62,7% và 33% sản phẩm 4 sao. Các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng và Đồng Tháp nằm trong nhóm 10 tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước. Sản phẩm OCOP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là thực phẩm với 84,5%, cao hơn bình quân chung của cả nước là 82,3%. Tại vùng Đông Nam bộ, hiện chỉ có tỉnh Đồng Nai đánh giá, phân hạng 17 sản phẩm OCOP; trong đó 15 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 88,2%.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các tỉnh phía Nam đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh của vùng như: trái cây, lúa gạo, du lịch sinh thái để lựa chọn, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương như: dừa, bưởi, sầu riêng, chôm chôm của Bến Tre; lúa gạo ở Sóc Trăng, An Giang; trái cây, du lịch ở Đồng Tháp... Từ đó, các địa phương từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được các tỉnh trú trọng, tập trung triển khai và mang lại những kết quả tích cực. Đặc biệt là tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch, kết nối cung cầu ở Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Các sự kiện đều được các địa phương lựa chọn chủ đề phù hợp, mang đặc trưng gắn với lợi thể của từng địa phương như: Lễ hội dừa Bến Tre; lễ hội hoa Sa Đéc; phát triển du lịch cộng đồng, kết nổi tour – tuyến du lịch Sóc Trăng... Qua đó, hình thành những sự kiện đặc sắc trong phát triển sản phẩm OCOP của vùng...
Tác động lan tỏa
Tại khu vực phía Nam, chương trình OCOP bước đầu đã có những tác động tích cực vào phát triển kinh tế và xã hội khu vực nông thôn. Nhiều vùng, địa phương đã phát huy các lợi thế theo nhóm sản phẩm để phát triển OCOP, như: Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khai thác lợi thế của các sản phẩm chủ lực, vùng sản xuất tập trung với 84,5% sản phẩm OCOP là nông sản và thực phẩm... Từ đó, chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là giải pháp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, mà còn là cơ hội, điều kiện để họ có thời gian chăm lo và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng địa phương.
Sản phẩm OCOP các tỉnh phía Nam từng bước tham gia vào thị trường với vị thế của sản phẩm đặc sản của Việt Nam, sản phẩm OCOP dần trở thành một dấu hiệu nhận diện trên cả khía cạnh chính sách và khía cạnh sản phẩm đối với người tiêu dùng, gắn với thương hiệu OCOP Việt Nam. Nhiều kênh phân phối sản phẩm OCOP đã được hình thành và vận hành có hiệu quả như: BigC, Vinmart, Saigon Co.op; cùng với đó là hệ thống các sàn thương mại điện tử như VNpost, Voso.vn, Lazada… đã được các chủ thể OCOP tiếp cận và tham gia tích cực, chủ động,…
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, so với cả nước, khu vực phía Nam lại là khu vực có nhiều tỉnh triển khai chương trình chậm; sản phẩm OCOP mặc dù đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tuy nhiên nhiều sản phẩm vẫn có những điểm yếu, đặc biệt là việc áp dụng các quy định về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ...
“Ứng dụng khoa học công nghệ cho sản phẩm OCOP còn hạn chế, chủ yếu mới là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp; các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đối với các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng còn hạn chế; đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại, quản lý sản phẩm sau khi được công nhận sao…”, ông Tiến nêu thực trạng trong triển khai chương trình tại các tỉnh phía Nam.
Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, các tỉnh chưa tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cần triển khai ngay xây dựng kế hoạch, đề án chương trình cho giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tiến độ và kết quả của chương trình; các địa phương tập trung đánh giá toàn diện về kết quả, đặc biệt là những tác động của chương trình OCOP đến phát triển kinh tế của các chủ thể, khu vực nông thôn; cần tổ chức rà soát, xác định rõ thế mạnh của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng trong quy hoạch phát triển chung về nông nghiệp, nông thôn của cả vùng
Thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ là các vùng có nhiều sản phẩm quốc gia, vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, có điều kiện tương đồng giữa các địa phương. Cùng với định hướng tổ chức các ngành hàng quy mô lớn theo hướng xuất khẩu với các sản phẩm chủ lực, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng các tỉnh cần tập trung phát triển các sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ các sản phẩm chủ lực như: trái cây, thủy sản, lúa gạo; hỗ trợ các chính sách để đầu tư, đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm chế biến, nhằm hình thành các sản phẩm mới có lợi thế, đặc trưng gắn với vùng nguyên liệu tập trung.
Các tỉnh phía Nam cần khai thác lợi thế về du lịch cộng đồng, đặc biệt là du lịch trải nghiệm như: nông nghiệp, sinh thái..; du lịch văn hóa để phát triển sản phẩm OCOP; phát triển hệ thống thương mại sản phẩm OCOP với các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, giai đoạn 2021-2025, chương trình OCOP tiếp tục là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong đó, chương trình tập trung phát triển theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực như: trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương..; gia tăng giá trị và gắn với cộng đồng.
Giai đoạn này, các tỉnh phía Nam cần tập trung xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung- cầu cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao quy trình công nghệ sơ chế, chế biến; quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao những kết quả tích cực từ chương trình OCOP của các tỉnh, thành khu vực phía Nam, chương trình đã thu hút sự tham gia và phát huy tốt vai trò của phụ nữ thông thôn, các hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương.
Để phát triển sản phẩm OCOP đạt hiệu quả tại các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý, các địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan cần chú ý sản phẩm OCOP phải đảm bảo vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, cũng như đảm bảo nguồn gốc về nguyên liệu làm ra sản phẩm và phải sử dụng lao động tại địa phương...