Hội nghị nhằm tuyên truyền đến các cơ quan chính quyền, sở, ngành địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng thuộc khu vực Tây Nam bộ về nội dung cam kết hội nhập kinh tế quốc tế cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, CPTPP là xu hướng tất yếu của nền thương mại thế giới, là bước đi mang tính chiến lược để tạo nên khối liên kết giữa các nước thành viên nhằm đưa tự do hoá thương mại trở lại trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy và bắt đầu gây ra những tác động nhất định đến nền thương mại thế giới.
Đối với Việt Nam, tham gia CPTPP trên tư cách là một trong những thành viên đầu tiên đã thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á – Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Về mặt kinh tế, nghiên cứu chính thức từ Bộ Công Thương cho thấy, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm lần lượt là 1,32% và 4,04% năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Về mặt xã hội, tham gia CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tại Việt Nam tăng bình quân mỗi năm khoảng từ 20.000 – 26.000 cơ hội. Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến giúp Việt Nam giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm các rào cản phi thuế quan đối với thương mại và đầu tư tại tất cả thành viên CPTPP sẽ giúp giảm chi phí và rủi ro kinh doanh tại Việt Nam, làm tăng cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.
Việc tiếp cận vốn và công nghệ một cách dễ dàng hơn cũng sẽ kích thích sáng tạo và tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó tạo ra thu nhập mới và cao hơn, với nhiều cơ hội việc làm tốt hơn; điều này đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ khi đầu tư và kinh doanh trong khu vực.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, để thực thi cam kết trong CPTPP, thời gian tới, Việt Nam chủ trương điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động nhằm phát triển thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo quyền tài sản và cải thiện các quy định về kinh tế; đẩy mạnh cải thiện kỹ năng lao động, phát triển dịch vụ và kết cấu hạ tầng quốc gia, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng xuất khẩu đáp ứng tiêu chí chuẩn quốc tế về chất lượng để được hưởng ưu đãi; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đồng tình với phân tích và chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các đại biểu tham dự hội nghị đều có nhận định lạc quan về những lợi ích mà CPTPP mang lại, song cũng cho rằng cần có sự chuẩn bị tốt về năng lực cũng như cải cách thể chế để có thể đón lấy cơ hội, đồng thời đối phó với những thách thức, ràng buộc mới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, CPTPP tạo thêm thuận lợi cho ngành dệt may để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường thành viên cũng như hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tăng tốc vì điều kiện về xuất xứ nguyên phụ liệu, hàng hoá cũng chặt chẽ hơn. Ở chiều ngược lại, việc hàng dệt may các nước thành viên CPTPP thuận lợi khi vào Việt Nam sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh đối với các nhà sản xuất trong nước về chất lượng, giá cả và theo đó người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều hơn, giảm hiện tượng hàng nhái, hàng giả.
Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước muốn nắm bắt cơ hội này phải hoàn chỉnh các khâu sản xuất, xây dựng các hệ thống về quản lý chất lượng cao cấp và chuyên nghiệp hơn; đảm bảo an toàn lao động song song với bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội cho người lao động; liên kết chặt chẽ hơn trong các khâu sản xuất giữa các doanh nghiệp. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam tự nâng tầm bước ra sân chơi lớn hơn, mà trước mắt là tăng uy tín về chất lượng sản phẩm với khách hàng 11 nước thành viên CPTPP.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Văn Công, CPTPP sẽ là tiền đề để Việt Nam mở rộng thị trường lúa gạo, gia tăng xuất khẩu. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nói riêng và ngành lúa gạo nói chung tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến rào cản kỹ thuật.
Để tận dụng tốt cơ hội, trước mắt, các doanh nghiệp và ngành lúa gạo cần xây dựng chiến lược sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm bởi các nước thành viên của CPTPP là những nước phát triển, có những đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng.
Với ngành thủy sản, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ Lê Ngọc Diễn, CPTPP mang lại những lợi thế rất lớn vì trong 11 quốc gia thành viên chỉ có Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu tôm và một số mặt hàng thủy sản khác như cá tra. Khi tham gia vào khối, những nước trong khối sẽ hỗ trợ lẫn nhau phát triển những lợi thế của mình. Ví dụ, việc xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản, trước đây có Ecuador, Ấn Độ, Indonesia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, còn bây giờ, những nước đó không thuộc khối, trong khi Việt Nam thuộc khối nên điều kiện để xuất khẩu hàng Việt Nam đến Nhật sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, bà Lê Ngọc Diễn cũng lưu ý, gia nhập những hiệp định thương mại tự do như CPTPP, hàng rào thuế quan hạ xuống nhưng hàng rào kỹ thuật được dựng lên; do đó, các yêu cầu về sản phẩm sẽ khắt khe hơn, nhất là về chất lượng. Bên cạnh đó còn có những quy định chung rất khắc khe của khu vực về sản xuất phải đảm bảo không hủy hoại môi trường, không ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh khu vực sản xuất hoặc phải có giải pháp tích cực để giúp cho cuộc sống người dân tốt hơn…
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thời gian tới các nhà làm chính sách sẽ tiến hành tham vấn kỹ cộng đồng doanh nghiệp trong nước để nhận diện và giải quyết các rào cản của Việt Nam trong việc thực hiện CPTPP. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng với các đối tác phát triển để xây dựng năng lực thể chế quốc gia nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết trong hiệp định; nhận diện những nhóm cộng đồng bị tác động tiêu cực bởi CPTPP, từ đó, bàn bạc với những nhóm này nhằm áp dụng những chính sách giảm thiểu tác động bất lợi; thực hiện nghiên cứu dựa trên bằng chứng về mức độ và phân bổ các chi phí và lợi ích của toàn cầu hóa để phát triển các chính sách nhằm đảm bảo các tác động từ hội nhập công bằng hơn.