Nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ thuế suất 0 - 5%
Việt Nam đang tham gia 17 FTA với các nước và khu vực, trong đó có 9 hiệp định đã ký và thực hiện, 3 hiệp định đã ký nhưng chưa thực hiện, 5 hiệp định vẫn đang trong quá trình đàm phán. Ngay khi các FTA này có hiệu lực, 85% dòng thuế hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước sẽ được cắt giảm ngay lập tức về mức từ 0 - 5%. Các dòng thuế còn lại sẽ được giảm theo lộ trình.
Theo Bộ Công Thương, nếu thuế suất trung bình giữa các nước là thành viên WTO từ 5 - 25% thì thuế suất trung bình trong các cam kết FTA thấp hơn rất nhiều, chỉ từ 0 - 5%. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng của các FTA, cách duy nhất là hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho mỗi FTA.
Theo Hiệp định TTP, hàng dệt may sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Ví dụ, theo quy tắc xuất xứ áp dụng cho ngành dệt may của Hiệp định TPP, hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0 - 5% nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, tức là nguồn gốc sợi phải là từ 12 nước thành viên TPP. Nếu không đáp ứng được quy định này, dệt may Việt Nam sẽ vẫn chịu mức thuế hiện hành là từ 5 - 25%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với các nước khác đáp ứng được tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ.
Tuy nhiên, tỷ lệ DN Việt Nam tận dụng được quy tắc ưu đãi xuất xứ vẫn rất thấp. Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia chỉ đạt khoảng 35%, đồng nghĩa với việc 65% số hàng hóa còn lại phải chịu thuế cao hơn so với mức thuế ưu đãi từ các FTA là 0 - 5%. Đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với cộng đồng DN.
“Với các FTA cũ, tỷ lệ tận dụng còn thấp thì với các FTA mới, trong đó có TPP với những điều khoản phức tạp và chặt hơn, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên cho DN, nếu bản thân DN không chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức về FTA thì việc cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi như kỳ vọng của Chính phủ và chính cộng đồng DN”, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Tiến tới tự chứng nhận xuất xứ
Theo ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương đã nỗ lực cải cách hành chính liên quan đến cấp chứng nhận xuất xứ cho DN. Theo đó, hiện nay DN có thể tự khai báo hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ qua Internet để giúp cho DN tiết kiệm thời gian đi lại và chờ đợi. Bộ Công Thương cũng đang sửa đổi Nghị định 19 về quy tắc xuất xứ để tạo nền tảng pháp lý tốt hơn về vấn đề quy tắc xuất xứ cho DN thực hiện. “Hiện nay, rất nhiều DN phản ánh, có những quy tắc xuất xứ chặt chẽ quá. Ví dụ, về phối trộn gia công, vì Việt Nam là nước nông nghiệp nên có thể nhập nguyên liệu từ các nước khác để sản xuất hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình phối trộn này chưa được coi là tiêu chí để xét cấp ưu đãi xuất xứ”, ông Hải đưa ra ví dụ.
Để hỗ trợ DN tận dụng ưu đãi về quy tắc xuất xứ, hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã triển khai chương trình thí điểm về tự chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định thương mại với ASEAN. Thị trường ASEAN hiện chiếm khoảng ¼ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, khi cam kết FTA Việt Nam với EU và TPP có hiệu lực thì lợi ích của việc chứng nhận xuất xứ sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
“Trong các FTA thế hệ mới đặc biệt là các FTA mà Việt Nam mới kết thúc đàm phán trong năm 2015 vừa rồi như FTA Việt Nam - EU, TPP thì vấn đề tự chứng nhận xuất xứ đã đặt ra. Bản thân việc chứng nhận xuất xứ đã là vấn đề mới thì việc tự chứng nhận xuất xứ còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, ở góc độ DN thì nên vui mừng vì tự chứng nhận xuất xứ là để tạo thuận lợi cho DN. Vấn đề là làm sao DN có thể đáp ứng được quy định để trở thành DN được tự chứng nhận xuất xứ. Theo đó, nếu ngay từ bây giờ DN hiểu rõ về lợi ích của quy tắc chứng nhận xuất xứ và áp dụng được quy tắc này thì Việt Nam mới có thể tận dụng được cơ hội từ thực hiện các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Việc tận dụng các ưu đãi từ quy tắc xuất xứ giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, gia tăng kim ngạch xuất khẩu”, ông Hải nhấn mạnh.
Bà Bùi Kim Thùy, Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): DN phải quan tâm đến ưu đãi xuất xứ Một trong những điều kiện để DN tận dụng được ưu đãi thuế quan là hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho từng hiệp định thương mại tự do. Quy tắc xuất xứ được ví như “quốc tịch” của hàng hóa khi ra nước ngoài. Sau năm 2018 TPP sẽ chính thức có hiệu lực và ngay từ bây giờ DN trong nước có hai năm để chuẩn bị, sửa sang lại chuỗi cung ứng, giá trị sản xuất của mình cho phù hợp với TPP. Cho dù Việt Nam có kỳ vọng tổng kim ngạch xuất khẩu đến các quốc gia thành viên TPP sau năm 2018 sẽ tăng gấp đôi, gấp ba so với hiện nay nhưng vấn đề quan trọng là có bao nhiêu phần trăm trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường TPP thực sự hưởng ưu đãi thuế quan. Nếu các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không đáp ứng bộ quy tắc xuất xứ này, thì việc hưởng thuế quan ưu đãi là vô nghĩa. Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Hoàn thiện chuỗi sản xuất dệt may Khi FTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ năm 2018, nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta như dệt may, da giày, thủy sản... sẽ có cơ hội giảm thuế về 0%. Tuy nhiên, việc tận dụng các quy tắc ưu đãi xuất xứ là không dễ dàng do hiện nay nguyên phụ liệu dệt may vẫn phụ thuộc nhập khẩu tới 60%. Yêu cầu về quy tắc xuất xứ sẽ giúp các DN dệt may đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu. Ví dụ, để đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải trở đi (theo FTA Việt Nam - EU) và quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (theo cam kết TPP), thời gian gần đây, Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu dệt may. Nguyên tắc xuất xứ từ sợi hoặc từ vải trở đi phải có xuất xứ trong phạm vi FTA sẽ khuyến khích việc sản xuất, tìm kiếm nguyên liệu tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan, khuyến khích việc hoàn thiện chuỗi sản xuất tại Việt nam, lấp đầy các khâu mà Việt Nam còn thiếu và yếu, tạo thêm công việc cho người lao động Việt Nam, hoàn thiện chuỗi cung ứng giá trị cho ngành dệt may Việt Nam. Ông Brian Staples, chuyên gia của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap): Nắm chắc các điều kiện ưu đãi Có 2 con đường chính để hàng hóa được hưởng ưu đãi xuất xứ theo các FTA. Thứ nhất là hàng hóa được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ của các nước thành viên tham gia FTA. Thứ hai, hàng hóa được sản xuất trong khu vực tham gia FTA nhưng nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa là được nhập khẩu ngoài khu vực. Đối với hàng hóa sản xuất theo con đường thứ hai thì để xác định xuất xứ cho hàng hóa DN cần nắm được các quy định về chuyển đổi dòng thuế (mã HS) hoặc các quy định về cộng gộp khu vực… Vấn đề phức tạp với DN là không có một bộ quy tắc xuất xứ chung mà mỗi FTA có một bộ quy tắc riêng. Tuy nhiên, phải tận dụng tối đa về quy tắc ưu đãi xuất xứ hàng hóa để thúc đẩy giao lưu thương mại và sản xuất hàng hóa giữa các khu vực và trên toàn thế giới. |