Để hiểu rõ hơn về Cuộc vận động và những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trong giai đoạn tới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương.
Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đâu là những kết quả đạt được từ Cuộc vận động này, thưa ông?
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động đã trải qua 10 năm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Cuộc vận động làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng cũng như tư duy của các nhà sản xuất. Điều này thể hiện rõ nhất ở thị trường nông sản, chúng ta thấy rõ sự thay đổi từ hành vi tiêu dùng cho đến tư duy của người dân. Thông qua Cuộc vận động, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tín nhiệm hàng hóa của Việt Nam. Rất nhiều địa phương đã xây dựng được các mặt hàng có uy tín, thương hiệu, xây dựng được các sản phẩm đặc thù. Hàng Việt Nam giờ đây không chỉ phục vụ tốt cho thị trường trong nước mà còn phục vụ cho cả thị trường xuất khẩu.
Ông đánh giá như thế nào về các kênh phân phối hàng Việt Nam hiện nay?
Cuối năm 2017, Việt Nam đã có 190 trung tâm thương mại, khoảng 9.600 chợ và 9.600 siêu thị. Ngoài ra, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển rất mạnh của kênh phân phối mới là kênh thương mại điện tử. Đây là xu hướng sẽ phát triển trong thời gian tới và sẽ định hình thêm sự đa dạng của các kênh phân phối hàng Việt Nam, đem lại sự phổ biến rộng rãi hơn hàng Việt Nam đến người tiêu dùng.
Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tích cực và chủ động tham gia Cuộc vận động, theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề?
Cuộc vận động thời gian qua có kết quả tốt, nhưng các chương trình, nguồn vốn để thực hiện các dự án phát triển hàng Việt còn khiêm tốn, nhất là nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên bị hạn chế tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hàng Việt hay đẩy mạnh khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm. Được biết, Bộ Công Thương đang xây dựng các chương trình, đề án để xây dựng hồ sơ thị trường, hồ sơ từng ngành hàng và xây dựng cho từng vùng để cung cấp cho doanh nghiệp. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ có thông tin để tham gia sâu hơn vào các chương trình này.
Ngoài ra, khó khăn nữa liên quan đến việc hệ thống phân phối còn hạn chế hay việc kết nối giữa các doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp phân phối…, điều này cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia vào Cuộc vận động.
Có ý kiến cho rằng, sự phối hợp giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa chặt chẽ. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Phải nói thật rằng vẫn còn tình trạng trên. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng và phân phối hàng hóa chưa đảm bảo đươc theo tiêu chuẩn hàng hóa của thương hiệu Việt nên không muốn kết nối với các cơ quan quản lý. Trong khi đó, công tác quản lý thị trường dù đã rất tích cực, nhưng đâu đó vẫn còn các hoạt động không đúng với yêu cầu của thị trường. Vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường, thậm chí còn có tình trạng làm giả, làm nhái các nhãn mác của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có thông tin về thị trường, hoặc có trường hợp có thông tin nhưng lại không có cơ hội và nắm bắt được. Chính vì lẽ đó nên vẫn còn thiếu sự kết nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý.
Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia, liệu điều này có cơ hội và thách thức gì cho hàng hóa Việt Nam?
Cùng với mở cửa thị trường phân phối, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, thậm chí có nhiều nhà bán lẻ lớn đã tham gia vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam có sự khác nhau tương đối về quy mô thị trường đối với mỗi vùng, khu vực nên có sự tham gia khác nhau. Các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu tham gia các hình thức như: siêu thị, trung tâm thương mại, đại siêu thị. Trong khi đó, vẫn còn nhiều phân khúc thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ở phân khúc như các cửa hàng tiện ích, các cửa hàng bách hóa tổng hợp nhỏ trên khắp các vùng miền của đất nước.
Đương nhiên, Việt Nam sẽ phải chịu sức ép kể cả trực tiếp hay gián tiếp khi mở cửa thị trường, nhưng tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định và dung lượng thị trường còn rất lớn để các doanh nghiệp có thể tham gia.
Theo ông, trong giai đoạn tiếp theo cần có giải pháp gì để hàng Việt không những phát triển ở thị trường nội địa mà có thể phát triển ở thị trường quốc tế?
Theo tôi có hai nhóm giải pháp. Giải pháp trước mắt cần tăng cường tư duy kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất cho đến hộ sản xuất kinh doanh, hộ nông dân những người trực tiếp sản xuất ra các hàng hóa. Đồng thời cần có tư duy kinh doanh chiến lược thay cho tư duy kinh doanh “chộp giật”, nhỏ lẻ. Nhà sản xuất phải chú ý phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm.
Giải pháp dài hạn là phải đặc biệt lưu tâm đến vấn đề nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển được các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng. Ngoài ra, để có thể xuất khẩu thì công tác quản lý thị trường cần được tăng cường với những chế tài xử lý đủ mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm. Từ đó bảo vệ được uy tín thương hiệu của các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam./.
Xin cảm ơn ông!