Nguy cơ “mất chỗ”
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguy cơ “mất chỗ” của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ là cảnh báo, thực tế cho thấy, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện sản xuất đã phải đối mặt nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, hủy đơn hàng.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong đợt dịch vừa qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa cũng như việc thực hiện “3 tại chỗ”, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất phải đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Tập đoàn.
“Nhiều đơn hàng không thể kịp tiến độ nên chúng tôi phải thương thuyết với khách hàng để giãn thời gian giao hàng nếu không sẽ bị phạt tiến độ hoặc chuyển sang lưu thông bằng máy bay thì chi phí đội lên gấp nhiều lần. Đối với đơn hàng mới, hiện nay là thời điểm phải ký đơn hàng cho cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nhưng vừa qua nhiều khách hàng đã “bỏ đi” khi không biết bao giờ doanh nghiệp tiếp tục tái sản xuất lại”, ông Hiếu cho hay.
Còn bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, nhu cầu tiêu thụ cá tra trên thị trường thế giới đang tăng nhưng doanh nghiệp lại “đứng ngồi không yên” do những khó khăn trong việc tổ chức sản xuất “ba tại chỗ”. Còn cá tra quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ, trong khi doanh nghiệp vào địa phương thu hoạch cá bắt buộc phải cách ly 14 ngày thì không thể bảo đảm tiến độ thu hoạch, chế biến, trả đơn hàng đúng hẹn.
Tương tự, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú cho biết: Hiện nhu cầu mua tôm của khách hàng nước ngoài rất lớn, giá tôm cũng tăng cao mà doanh nghiệp không thể sản xuất hết công suất. Số lượng công nhân đi làm chỉ chiếm 23,8%, đồng nghĩa với việc công suất của các nhà máy giảm. Hiện tại, đơn hàng của doanh nghiệp đang nợ rất nhiều.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, do giãn cách nên chuỗi cung ứng tôm gần như bị đổ vỡ. Nguy cơ những tháng cuối năm thiếu trầm trọng nguyên liệu. Nhiều công ty đã chủ động tăng giá tôm để nông dân tăng nuôi, thả tôm. Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng dịch bệnh bùng phát doanh nghiệp không mua, giá giảm.
“Doanh nghiệp lo tháng 10, tháng 11 sẽ không có nguyên liệu để trả các đơn hàng cho đối tác nước ngoài. Chúng tôi đã đề nghị triển khai gấp và khuyến khích người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối tháng 11, tháng 12 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đi các nước châu Á, còn các nước ở xa như châu Âu, châu Mỹ thì không kịp", ông Quang nói.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết, tác động của dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động... Hiện nay, các doanh nghiệp khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. Trong khi đó, việc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi do việc di chuyển gặp khó khăn. Do đó, các đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang các nước khác. Nguy cơ doanh nghiệp “mất chỗ” là rất lớn.
Đánh giá về hậu quả khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng đúng thời gian dẫn đến mất đơn hàng và các đối tác tiềm năng vào tay các đối thủ cạnh tranh. Một khi các doanh nghiệp không thể trụ nổi, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của kinh tế Việt Nam.
Sản xuất theo hướng "sống chung với dịch"
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho đến nay, chưa có thống kê, điều tra cụ thể về mức độ thiệt hại của doanh nghiệp và nền kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng về xuất khẩu, 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 vừa qua chiếm 45% giá trị xuất khẩu của cả nước, tương đương với khoảng 9.000 tỷ đồng mỗi ngày. Trong dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất và tiếp tục xuất khẩu, nhưng con số trên cho thấy nếu tiếp tục “đóng băng” nền kinh tế, sẽ đến lúc gần như tất cả các doanh nghiệp phải dừng sản xuất thì thiệt hại là rất lớn.
Trong khi đó, sức mua của thị trường thế giới vẫn ổn định, thậm chí đây là thời điểm thị trường các nước đang tích cực nhập khẩu hàng hóa để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Do vậy, các doanh nghiệp được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, giúp doanh nghiệp chạy đua để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới.
Thời gian qua, Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối vững chắc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ. Do vậy, các khách hàng lớn có thể tạm thời chuyển đơn hàng đi nước khác, nhưng họ sẽ không dễ rời bỏ Việt Nam. Nhưng nếu tiếp tục các biện pháp chống dịch “đóng băng” hoạt động sản xuất thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư trong tương lai.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc khôi phục sản xuất, giảm thiệt hại do đứt gãy nguồn cung trong thời gian vừa qua phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phòng, chống dịch cũng như thời điểm nền kinh tế hoạt động trở lại, nhất là ở những khu vực đang áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh.
Việc “sống chung với dịch” là quan điểm được nhiều nước lựa chọn và để “sống chung với dịch” thì cũng sẽ phải chấp nhận những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Các doanh nghiệp sẽ phải dành chi phí cho phòng dịch, điều trị, sự thiếu hụt lao động, bỏ lỡ chi phí cơ hội do phải mất thời gian xử lý dịch bệnh ở những thời điểm cụ thể... Đặc biệt, khi mở cửa trở lại, an toàn phòng dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu. Điều kiện an toàn có thể thông qua các tiêu chí như người lao động đã được tiêm vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kiến nghị, để doanh nghiệp có thể quay trở lại sản xuất ổn định trong thời gian tới thì tiêm vaccine cho người lao động vẫn là “chìa khóa”, cùng với đó là sớm thực thi những chính sách của Chính phủ hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp… để “trợ lực” cho doanh nghiệp trong thời gian tới.