Khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ
Dịch COVID-19 lan rộng tại EU và Mỹ, khiến Chính phủ các nước buộc phải đóng cửa biên giới, khuyến cáo công dân không ra nước ngoài, hạn chế di chuyển trong nước, đóng cửa các trung tâm thương mại…
Chỉ trong ba ngày từ 16 - 18/3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều thông báo với các doanh nghiệp (DN) sản xuất dệt may trong nước, đề nghị giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3 - 4 tháng, chờ thị trường phục hồi trở lại. Thống kê, số lượng đơn hàng bị hủy của nhiều đơn vị tương ứng từ 3 - 3,5% sản lượng của cả năm 2020.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết, khi vừa gỡ được khó khăn về nguyên liệu thì ngay lập tức gặp khó về đầu ra và thời gian mở thanh toán theo thư tín dụng cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày, thì nay là 120 ngày. Quý I/2020, doanh thu của Tổng công ty May Hưng Yên đã giảm 20%.
"Chúng tôi chưa đánh giá được toàn bộ thiệt hại. Chưa biết sắp tới sẽ hành động thế nào, tình hình thay đổi từng ngày, từng giờ… Trước mắt, không phải khách hàng nào cũng có thông tin xấu cho DN dệt may Việt Nam. Duy có thị trường Mỹ, một thị trường lớn của DN dệt may là có phản ứng sớm nhất. Do đó, những DN có đơn hàng đi Mỹ phải chịu ảnh hưởng sớm hơn", Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết.
Ông Nguyễn Đức Trị Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ cũng cho biết, từ ngày 16 - 18/3, đồng loạt các khách hàng tại thị trường Mỹ, đang giao dịch theo phương thức FOB (Người bán sẽ có trách nhiệm giao hàng lên boong tàu) thông báo về việc ngưng sản xuất, lùi giao hàng, hủy đơn hàng thành phẩm và ngưng việc đặt mua nguyên phụ liệu cho các đơn hàng đã xác nhận. Tổng số hàng bị hủy của công ty là 350.000 sản phẩm; tổng số đơn hàng yêu cầu lùi thời gian sản xuất là 100.000 sản phẩm; tổng số đơn hàng có nguy cơ bị dừng sản xuất hoặc hủy là 150.000 sản phẩm...
Các đối tác của công ty cũng đề nghị được lùi thời gian thanh toán tiền thành phẩm từ 30 - 60 ngày so với thời hạn đang được áp dụng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 đánh giá, việc Mỹ và EU quyết định tạm thời ngừng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của May 10 vào 2 thị trường này. Doanh nghiệp gặp khó khăn kép, trong tháng 2, các DN phải lo nhập khẩu nguyên phụ liệu để đảm bảo sản xuất được liên tục, đến nay thì có đủ nguyên liệu thì lại tạm dừng sản xuất và dừng giao hàng những lô hàng đã sản xuất.
Đơn cử, khách hủy toàn bộ các lô hàng đi bằng đường hàng không tới Mỹ. Các lô hàng đường biển trong tháng 3 lùi sang tháng 4 và 5, điều chỉnh giảm số lượng mua hàng các tháng kế tiếp. Khách hàng Hàn Quốc chưa chịu nhận 40.000 sản phẩm sơ mi đã sản xuất và hoãn luôn đơn hàng 39.000 sản phẩm sản xuất trong tháng 4 theo kế hoạch. Ngoài ra, hàng trăm nghìn sản phẩm khác sản xuất cho khách hàng Mỹ đang trên chuyền sản xuất thì cũng bị khách hàng yêu cầu dừng...
Mong muốn được hỗ trợ
Tổng Giám đốc Vinatex, ông Lê Tiến Trường nhận định, trong tháng 3, tháng 4/2020 các DN trong Tập đoàn có nhiệm vụ sản xuất phục vụ thị trường trong nước, sản xuất mặt hàng phòng dịch. Đàm phán với nhà cung cấp để lùi thời gian thanh toán tiền nguyên phụ liệu, cân đối dự phòng tài chính để có thể trả lương và duy trì sản xuất thất thường. Tạm dừng các dự án đầu tư trong năm 2020.
"Tuy nhiên, với tình trạng dệt may Việt Nam chủ yếu làm hàng xuất khẩu, thì vẫn phải trông chờ vào việc xử lý dập dịch của thế giới, kết thúc cuộc khủng hoảng toàn cầu. Nếu quy trình xử lý dịch kéo dài, thì không chỉ ngành dệt may, mà các ngành khác đều gặp khó khăn trong năm 2020 này", Ông Lê Tiến Trường cho hay.
Hiện tại, Vinatex vẫn thống nhất ưu tiên số 1 là giữ chân người lao động, bảo toàn lực lượng. Các DN cần tập trung tìm giải pháp tích cực để hạn chế tối đa việc phải giảm bớt lực lượng lao động. Trước mắt, DN không tăng giờ làm, cho người lao động nghỉ hai ngày/tuần, trong trường hợp khó khăn hơn nữa thì phải giảm số ngày làm việc của người lao động, cả lãnh đạo và công nhân đều chia sẻ giảm thu nhập, nhưng vẫn phải đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu theo luật định, trên tinh thần cùng nhau gắn bó vượt qua điểm đáy của thị trường.
Ông Lê Tiến Trường kiến nghị để giúp DN tập trung nguồn lực duy trì sản xuất, bảo toàn lực lượng lao động và đảm bảo an sinh xã hội, DN mong muốn được miễn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn trong năm 2020, để tạo dòng tiền giúp DN có thể thu xếp trả lương cho người lao động trong điều kiện thiếu việc làm. Toàn ngành Dệt may Việt Nam có tới 2,5 triệu người lao động, nếu 50% không có việc làm thì vô cùng khó khăn.
Đồng thời, đại diện Vinatex kiến nghị Chính phủ nghiên cứu để DN chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 vào thời điểm này, mà giãn nộp thuế đó tới cuối năm 2020. Các sắc thuế VAT, có thể vẫn áp dụng, nhưng cũng cho giãn thu thuế tới cuối năm 2020. Khi đó, các DN đã có thể vượt qua được khó khăn của đại dịch toàn cầu. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất năm 2019 cũng nên được giãn nộp tới năm 2021, 2022.
Cùng đó, các ngân hàng thương mại nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các DN đang có dư nợ tại ngân hàng, được hưởng ân hạn chưa phải trả phần tiền lãi và gốc đến hạn trả năm 2020 của các khoản đầu tư dài hạn, để DN sẽ tiếp tục trả vào các năm sau.
Đồng quan điểm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phân tích, nếu tình hình Mỹ và EU ngừng nhập khẩu dệt may kéo dài nhiều tháng tới, nhiều DN sẽ không chịu nổi. Nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước và sự chia sẻ khó khăn của người lao động, nhiều DN dệt may có nguy cơ phá sản...
Ngoài ra, bản thân người lao động cũng nên chia sẻ với DN, chấp nhận mức lương nghỉ việc thấp hơn quy định. Bởi nếu DN đứng trước bờ vực phá sản, người lao động sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.