Cơ hội - thách thức đan xen
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng có thể tạo ra xu hướng cho các nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là khâu nguyên liệu để vừa tránh thuế cao, vừa đáp ứng yêu cầu xuất xứ để hưởng thuế suất thấp của CPTPP và EVFTA.
Các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng hiệu quả cho ngành khi thuế suất giảm dần về 0%. Quy tắc xuất xứ từ sợi theo quy định của Hiệp định CPTPP và theo quy định của Hiệp định EVFTA trừ một số ngoại lệ sẽ thu hút đầu tư vào các khâu yếu như dệt, nhuộm.
Hơn nữa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn tạo điều kiện để dệt may Việt Nam giải quyết khâu yếu về năng suất, chất lượng, thay thế những công việc lặp đi lặp lại, độc hại, nguy hiểm, phức tạp đòi hỏi sự chính xác cao hay các khâu thiết kế, phát triển thương hiệu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, bên cạnh những thuận lợi là những thách thức mà ngành dệt may đang phải đối diện. Đó là, để hưởng được lợi ích về thuế suất của CPTPP và EVFTA Việt Nam phải tập trung phát triển nguồn nguyên liệu trong nước hoặc sử dụng nguyên liệu nội khối hay các quy định ngoại lệ để đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Đây là vấn đề không dễ giải quyết ngay, hiện nay Việt Nam nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu; trong đó, khoảng 55% từ Trung Quốc, 16% từ Hàn Quốc, 12% từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản 6%. Đồng thời phải cạnh tranh quyết liệt với các nước xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP và EU như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Pakistan… Trong khi đó, các nước này coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh nên có chính sách hỗ trợ dệt may nước họ phát triển.
Thị trường các nước CPTPP và EU là thị trường đẳng cấp và khó tính, trong khi tại thị trường trong nước các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn đến từ châu Âu và các nước CPTPP.
Với thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đó là khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng dệt may Trung Quốc sẽ xuất hiện xu hướng chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ của các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam.
Đây chính là nguy cơ để Mỹ có thể truy xuất nguồn gốc, đánh thuế chống lẩn tránh đối với hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, nếu không kiểm soát tốt những thiết bị, công nghệ lạc hậu Trung Quốc có thể di chuyển sang Việt Nam.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ mang lại cơ hội mà đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi trình độ chuyên môn của lao động Việt Nam khá thấp, chưa đáp ứng được cho công nghệ công nghiệp 4.0.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong những năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế, mở rộng thị trường, hưởng ưu đãi thuế từ quá trình hội nhập sâu, rộng của kinh tế Việt Nam. Chi phí nhân công của ngành còn tương đối rẻ so với nhiều nước trong khu vực, lực lượng lao động dồi dào phù hợp cho phát triển dệt may, các chính sách của Nhà nước thông thoáng hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiêp.
Tuy nhiên, nhiều bất cập hiện hữu cũng làm hạn chế sự phát triển, năng lực cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiêp như: nguồn cung nguyên phụ liệu thiếu hụt và mất cân đối, tạo ra điểm "nghẽn" tại khâu dệt nhuộm, trong khi nhiều địa phương không khuyến khích phát triển dệt nhuộm do lo ngại gây ô nhiễm môi trường, may xuất khẩu vẫn gia công là chính.
Cùng với đó, việc chuyển đổi lên các hình thức cao hơn FOB (tự chủ về nguyên liệu), ODM (tự thiết kế bán hàng), OBM (sở hữu nhãn hàng riêng) diễn ra chậm. Khối doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 62% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, nhưng thiếu liên kết, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, công nghệ với các doanh nghiêp trong nước. Trình độ công nghệ, thiết bị doanh nghiệp dệt may hiện đa phần chỉ ở mức trên trung bình, ngoại trừ công đoạn may, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khâu xơ, dệt, nhuộm.
Hướng đến mục tiêu 42 tỷ USD
Căn cứ vào tiềm năng và lợi thế phát triển ngành dệt may Việt Nam và dự báo các cơ hội, thách thức do các Hiệp định thương mại tự do mang lại cũng như tình hình biến động, xung đột thương mại trên thế giới, năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 42 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với năm 2019.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - Công ty Cổ phần cho biết, năm 2020, May 10 đã đặt mục tiêu phấn đấu doanh thu hơn 3.636 tỷ đồng, lợi nhuận 90 tỷ đồng và thu nhập bình quân người lao động đạt 8.350.000 đồng/người/tháng. Để đạt mục tiêu này, May 10 đang thực hiện một loạt giải pháp, gồm: rà soát lại tất cả, những đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh May 10 để tính toán lại chi phí phù hợp, cắt giảm lao động gián tiếp, những chi phí không tạo ra giá trị, cắt giảm chi phí thừa... để tinh gọn sản xuất ở mức cao nhất.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, để đạt mục tiêu trên không chỉ May 10 mà các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế thuế quan tại các thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, chuẩn bị các điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu vào EU khi EVFTA có hiệu lực.
Các doanh nghiệp dệt may tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các đoàn khảo sát và tham gia hội chợ, triển lãm tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng, thị trường mới đồng thời, áp dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế thời trang và phát triển thương hiệu.
Với các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước cần có kế hoạch quảng bá thông qua các kênh thương mại điện tử, trình diễn thời trang để giới thiệu với khách hàng ngoài nước, tiến tới xuất khẩu sản phẩm bằng thương hiệu của mình. Các doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh nghiên cứu xu hướng thời trang và định hướng cho các nhà thiết kế sản xuất các mẫu thiết kế/bộ sưu tập đẩy mạnh làm hàng ODM (tự thiết kế bán hàng), OBM (sở hữu nhãn hàng riêng).
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cần tập trung nghiên cứu, tìm hiểu nắm vững các quy định của pháp luật thương mại quốc tế, yêu cầu xuất xứ, lộ trình giảm thuế, rào cản kỹ thuật… của các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… để tận dụng cơ hội và vượt qua các rào cản của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, ứng dụng thương mại điện tử, mở rộng mạng lưới bán lẻ, đổi mới phương thức tiếp thị. Cùng đó, các doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm may mặc phục vụ người dân; tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Có thể nói, năm 2019 là năm các doanh nghiệp sản xuất sợi tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ không tăng, giá giảm. Tuy vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu, nhưng nhiều doanh nghiệp chịu thua lỗ. Nguyên nhân là do mặt hàng sợi, vải của Trung Quốc nằm trong gói 200 tỷ USD bị Mỹ áp thuế 10% từ ngày 24/9/2018 và ngày 10/5/2019 nâng lên 25%. Trong khi đó, khoảng 60% sợi xuất khẩu ra nước ngoài của Việt Nam là sang Trung Quốc. Ngoài ra, cũng làm cho hiệu quả thu được của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc giảm.
Do vậy, năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn xuất khẩu hàng dệt may đạt 39 tỷ USD, xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD so với năm 2018.