Phát triển hợp tác xã nông nghiệp
Nông nghiệp là kinh tế chủ đạo của khu vực nông thôn tại các địa phương. Chính vì vậy, khi đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp là tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập, ổn định kinh tế. Có như vậy, người dân sẽ nhanh chóng đồng thuận trong việc hoàn thành các tiêu chí khác trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, với phương châm xem nông dân là chủ thể phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, cũng là chủ thể chính trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đồng Tháp đã không ngừng củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Từ đó, góp phần hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có hơn 180 hợp tác xã nông nghiệp, với doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã là hơn 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân của mỗi hợp tác xã là hơn 250 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên là 48 triệu đồng/năm.
Vai trò của hợp tác xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới được xác định là không hề nhỏ. Các hợp tác xã nếu làm tốt vai trò liên kết, đầu tàu dẫn dắt cho nông dân sẽ giúp cho nông dân tiêu thụ tốt sản phẩm làm ra và phát triển sản phẩm ngày càng đa dạng về mẫu mã, nâng cao về chất lượng trong bối cảnh thị trường luôn biến động và thay đổi theo thị hiếu người tiêu dùng.
Tại tỉnh Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh có gần 150 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả giúp thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhanh chóng. Bằng các kế hoạch sản xuất, tiêu thụ hàng năm, các hợp tác xã đã giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm tốt; đặc biệt là trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19.
Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Cường, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình chia sẻ, hợp tác xã Vĩnh Cường đã thực hiện tốt việc bao tiêu sản phẩm lúa trên 21.000 ha cho các thành viên.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã Vĩnh Cường còn thu mua lúa cho các huyện lân cận trên diện tích 10 ha. Khi nông dân tham gia vào chuỗi liên kết của Hợp tác xã Vĩnh Cường, nông dân được hỗ trợ chi phí đầu vào các loại vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật canh tác sao cho đạt được năng suất và chất lượng theo yêu cầu của nhà thu mua.
Không chỉ với cây lúa, con nghêu cũng là sản phẩm chủ lực của người dân Bạc Liêu. Theo ông Trần Văn Út, thành viên Hợp tác xã nghêu Đồng Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, hợp tác xã đã giải quyết việc làm rất tốt cho người dân địa phương, giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế và đời sống tại khu vực nông thôn.
Khi kinh tế ổn định, người dân sẵn sàng đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, ủng hộ kinh phí theo diện xã hội hóa để hoàn thành các tiêu chí khác như diện, đường giao thông, khu văn hóa, khu vui chơi, nâng cao trình độ dân trí cho người dân nông thôn, thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam sáng hơn.
Điển hình gia đình ông Út có 4 lao động, vào Hợp tác xã nghêu Đồng Tiến, tham gia vào các khâu cào nghêu, vận chuyển, tiêu thụ, có thu nhập từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/người/ngày. Khi vào vụ thu hoạch rộ, thu nhập có thể tăng lên đến 500.000 đồng/người/ngày. Đây là con số ngoài sự mong đợi của người dân nông thôn.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, việc liên kết và tiêu thụ hàng hóa của các hợp tác xã không dừng lại ở mức huyện này thu mua ở huyện khác, hợp tác xã trong tỉnh liên kết với doanh nghiệp trong tỉnh, mà mối liên kết phát triển này như được nối thêm cánh tay vươn ra mối liên kết giữa các tỉnh, thậm chí vươn ra thế giới.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là một bước tiến giúp các hợp tác xã vừa có thể quảng bá sản phẩm, vừa có thể quảng bá hình ảnh của địa phương sở tại, giúp khách hàng tiếp cận trực tiếp bằng hình ảnh một cách nhanh nhất địa phương sản xuất sản phẩm đó. Phát triển được hợp tác xã cộng với số hóa sẽ giúp thúc đẩy nhanh hơn công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, tạo động lực cho người dân nông thôn sinh sống, sản xuất trên mảnh đất quê hương.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2021, cả nước có hơn 17.000 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, có 60% hợp tác xã hoạt động khá tốt. Với số lượng hợp tác xã này, khi phát huy hết hiệu quả và công suất hoạt động, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có một chuỗi mắt xích chắc chắn tại vùng nguyên liệu và không lo sợ đứt gãy nguồn cung.
Tuy nhiên, để có thể phát huy thế mạnh của hợp tác xã, đặc biệt là khi trải qua khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội, ứng phó dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh phía Nam, các hợp tác xã đang dần chuyển mình mạnh mẽ hơn trong công cuộc chuyển đổi số để thích ứng với mọi diễn biến của xã hội, kinh tế.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong các hợp tác xã có vai trò rất quan trọng để cung cấp chính xác nhưng thông tin sản phẩm cho thị trường và giúp minh bạch hóa quy trình sản xuất...
Điển hình trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số của hợp tác xã, có Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội). Theo đại diện hợp tác xã này, hợp tác xã đã ứng dụng Công nghệ 4.0 eGap & eGap.vn, iMetos của Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam nhằm phục vụ chuyển đổi số trong hệ thống hợp tác xã với các giải pháp đồng bộ. Cụ thể là nhật kí điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn.
Nhờ sự ứng dụng và chuyển đổi này, mặc dù thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn vẫn duy trì, phát triển ổn định. Doanh thu của Chúc Sơn năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.
Khi hợp tác xã phát triển mạnh và ổn định, đời sống của người dân nông thôn sẽ được đảm bảo, nhu cầu hiện đại hóa nông thôn cũng xuất phát từ những người dân đang có cuộc sống ngày càng đầy đủ, sung túc.