Luật Đầu tư 2014 quy định có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong các cuộc rà soát gần đây đã khẳng định, có khoảng 30/267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư cần được loại bỏ để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Không nên coi nhượng quyền là ngành nghề
Trong quá trình rà soát Luật Đầu tư 2014, mới đây, VCCI đã đề nghị loại bỏ “nhượng quyền thương mại” ra khỏi Danh mục Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét: Nhượng quyền thương mại không phải là một ngành, nghề kinh doanh. Bởi, theo Điều 284 Luật Thương mại, nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại. Theo đó, bên nhượng quyền cho phép và bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và có nghĩa vụ trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Kinh doanh mũ bảo hiểm không nên coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. |
Thực tiễn cho thấy, sau 10 năm thực hiện Luật Thương mại, chưa thấy báo cáo trường hợp nào các thương nhân trong và ngoài nước “lợi dụng” phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại để gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà nước, lợi ích công cộng. Như vậy, hoạt động nhượng quyền thương mại không tác động đến các lợi ích công cộng; an ninh quốc gia, quốc phòng theo quy định của Điều 7.1 Luật Đầu tư 2014 xác định để quy định về điều kiện kinh doanh. “Nhượng quyền thương mại thực ra là phương thức kinh doanh thay vì ngành nghề kinh doanh như cách tiếp cận của Luật đầu tư”, ông Tuấn khẳng định.
VCCI cũng đánh giá, các điều kiện kinh doanh áp dụng cho các chủ thể của nhượng quyền thương mại chưa hợp lý và ít ý nghĩa. Ví dụ, về các điều kiện kinh doanh đối với bên nhượng quyền quy định tại Nghị định 35, có thể thấy, việc yêu cầu bên nhượng quyền phải có “hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 1 năm” là chưa hợp lý và là sự can thiệp của Nhà nước vào yếu tố thị trường. Bởi, giao dịch này được thiết lập hoàn toàn trên cơ sở thỏa thuận của các bên và do thị trường quyết định.
Xem lại “mua bán nợ” và “kinh doanh mũ bảo hiểm”
Qua quá trình rà soát dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, kiến nghị của VCCI nêu rõ, theo khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư 2014 thì điều kiện kinh doanh được áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
Theo phân tích của VCCI, về bản chất, mua bán nợ là giao dịch trong đó một khoản nợ (cùng với các quyền và nghĩa vụ gắn với khoản nợ đó) được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia, hoàn toàn không có ảnh hưởng nào tới các lợi ích công cộng được liệt kê trong khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư.
VCCI cũng khẳng định, khung khổ pháp luật hiện tại đã đủ để điều chỉnh hoạt động mua bán nợ và dịch vụ mua bán nợ. Vì, như phân tích ở trên, “nợ” đang được xem là một loại hàng hóa thông thường, được giao dịch bình thường trên thị trường (Trừ, những khoản nợ “đặc thù”, “nhiều nguy cơ” - ví dụ các khoản nợ xấu của các ngân hàng, các tổng công ty nhất định... - đã có những văn bản khác điều chỉnh).
Hệ thống pháp luật về dân sự, thương mại liên quan tới hoạt động mua bán hiện tại đã cung cấp đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh giao dịch mua bán nợ cũng như các giao dịch hỗ trợ mua bán nợ. Vì vậy, nếu nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ không được ban hành thì hoạt động mua bán nợ cũng như môi giới, hỗ trợ mua bán nợ vẫn có đầy đủ cơ sở pháp lý để vận hành và kiểm soát trên thực tế.
Từ những phân tích trên, VCCI kiến nghị tạm thời không ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và chờ sửa đổi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014. (Phụ lục 4 - Luật Đầu tư 2014).
VCCI mới đây cũng đã đề nghị loại bỏ ngành, nghề “kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” ra khỏi Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014. Tạm thời không ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, đợi sửa đổi Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Theo VCCI, mục tiêu cốt lõi trong quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đó là đảm bảo chất lượng của mũ bảo hiểm khi được sản xuất và lưu thông trên thị trường, bảo vệ tính mạng của người sử dụng. Điều này, có thể kiểm soát thông qua các quy chuẩn kỹ thuật, hay những yêu cầu về chất lượng của sản phẩm. Hiện tại, đã có Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 2:2008/BKHCN - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (28/4/2008).
“Cần xem xét lại sự cần thiết đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc quy định điều kiện kinh doanh cho ngành nghề không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới “quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp” theo tinh thần của Hiến pháp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”.
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư |