Theo Bộ Giao thông Vận tải, lý do đến nay dự án đường đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông chưa vận hành là do dự án chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết để nghiệm thu. Cụ thể, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước khi đưa vào vận hành chính thức phải có đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, được thực hiện độc lập bởi Liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật. Sau đó, dự án phải được Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối.
Ghi nhận của phóng viên trên toàn tuyến cuối tuần qua, hầu hết các hạng mục xây lắp của dự án đã hoàn thành, nhiều thiết bị ở các nhà ga đã được lắp đặt và vận hành thử. Tuy nhiên, còn một số hạng mục như mái che thang cuốn ngoài trời của các nhà ga đang được thi công gấp rút.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt, thời gian vừa qua, Tổng thầu EPC đang tập trung hoàn thiện các hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị còn lại, đặc biệt là hoàn thành hệ thống các hạng mục như phòng cháy chữa cháy, điện, thẻ vé và hoàn thiện các thủ tục để đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu vận hành thử liên động hệ thống từ giữa tháng 9/2018. Ngày 15/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã thị sát dự án này và yêu cầu Tổng thầu cùng các đơn vị liên quan nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019, đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối cho hành khách.
Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao; có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ.
UBND Hà Nội cũng đã công bố mức giá vé bình quân toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là trên 10.000 đồng với cự ly 5,3 km. Hà Nội dự kiến mức chi hỗ trợ cho hành khách sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông gần 14,5 tỷ đồng mỗi năm.
Dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ khai thác thương mại đến tháng tư à hiện giờ cũng chưa chốt thời gian vận hành chính thức.