Phát biểu tại Economic Club of New York ngày 18/10, ông Quarles đã chỉ ra những dấu hiệu tích cực trên thị trường lao động với việc tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống gần mức thấp nhất trong 50 năm qua trong khi tỷ lệ lạm phát đang gần ở mức chuẩn 2% của FED. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư kinh doanh đã tăng 10% trong nửa đầu năm 2018, cho thấy đây là động lực thúc đẩy năng suất, cho phép nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng mà không cần điều chỉnh mục tiêu lạm phát. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển của các công nghệ mới như công nghệ thông tin 5G và trí tuệ nhân tạo cũng là một trong số các yếu tố giúp ông tin tưởng về đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Với những chỉ số trên, ông cho rằng các điều kiện kinh tế tích cực được duy trì trong khoảng thời gian dài trên đang tiến gần tới những mục tiêu trong chính sách tiền tệ của cơ quan này. Ông Quarles, người đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm giám sát tài chính của FED, kỳ vọng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm thoát khỏi căn bệnh "thiếu máu", ổn định sự tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, do tồn tại một số tín hiệu, trong đó có chỉ số lạm phát, được cho là không rõ ràng và tạo tâm lý lo lắng, ông Quarles cho rằng FED nên duy trì chính sách điều chỉnh lãi suất ở mức độ tăng vừa phải. Theo Chủ tịch FED, cơ quan này chỉ áp dụng biện pháp mạnh mẽ hơn trong trường hợp một trong những tín hiệu trên trở nên rõ ràng.
Việc tăng lãi suất của FED vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông chủ Nhà Trắng chỉ trích chính sách này là "điên rồ" và "vượt quá tầm kiểm soát". Tuy nhiên, ông Quarles cho rằng trách nhiệm của FED là chú trọng vào thực trạng của nền kinh tế và mọi quyết sách của cơ quan này hoàn toàn độc lập với chính phủ.