Trong một tháng qua , giá xăng, dầu đã giảm 3 lần liên tiếp với mức giảm tổng cộng khoảng 1.400 đồng/lít. Tuy nhiên, giá cả tiêu dùng, hàng hóa và dịch vụ vận tải đã không giảm theo như mong muốn của người dân.
Qua khảo sát thị trường 3 ngày sau lần giảm giá xăng, dầu gần đây nhất, nhìn chung giá các loại hàng hóa và cước vận tải không có biến động lớn. Thậm chí, nhiều mặt hàng còn có xu hướng tăng giá.
Tại các chợ đầu mối, chợ Hôm, chợ Mơ (Hà Nội), các loại thịt cá không có nhiều biến động so với thời điểm trước khi giảm giá xăng. Cụ thể thịt lợn thăn có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, thịt mông 80.000 đồng/kg, cá chép từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, cá rô phi từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, gà công nghiệp từ 75.000 - 85.000 đồng/kg... Thậm chí, giá một số loại rau củ lại tăng giá nhẹ từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg tùy loại. Rau muống giá từ 10.000 - 15.000 đồng/mớ, cà chua 20.000 đồng/kg, xu hào 8.000 - 10.000 đồng/củ, khoai tây 14.000 đồng/kg...
Giá thực phẩm không biến động nhiều sau khi giá xăng giảm. Ảnh: Hoàng Tuyết |
Theo các tiểu thương tại chợ Mơ, sắp đến Tết Trung thu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tăng cao, nên các mặt hàng như rượu bia, bánh ngọt, sữa... không có dấu hiệu giảm giá. Một số mặt hàng tăng giá nhẹ như rau củ những ngày qua là do yếu tố thời tiết, mưa nhiều. Vì thế, dù giá xăng dầu giảm tới ba lần nhưng không có nhiều tác động đến giá các hàng hóa tại chợ.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng cho biết, giá xăng dầu đã ba lần giảm liên tiếp song đến nay chưa có tác động nhiều đến thị trường, hầu hết các mặt hàng đều không có dấu hiệu giảm giá. Cá biệt, một số ít mặt hàng còn có xu hướng tăng giá nhẹ như hàng thực phẩm, rau quả… do yếu tố thời tiết. Giới hộ kinh doanh thường lấy lý do nguồn cung khan hiếm và lượng tiêu dùng tăng cao để “trốn” giảm giá.
Trong lĩnh vực vận tải hành khách, giá cước tàu xe, ô tô cũng không có dấu hiệu điều chỉnh. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giá xăng giảm ba lần liên tiếp mức giảm tổng cộng 1.400 đồng/lít là chưa đủ mạnh để khiến các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá cước. Các doanh nghiệp vận tải trong thời gian qua đã phải gánh chịu nhiều tác động từ các yếu tố đầu vào như giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi doanh nghiệp không điều chỉnh giá cước. Thêm nữa, tổng cộng ba lần giảm giá vừa qua cũng mới chỉ tương đương với những lần tăng giá xăng từ đầu năm đến nay .
Đại diện Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cũng cho hay, thời gian qua, giá cước vận tải của các doanh nghiệp vẫn được giữ ổn định mặc dù giá xăng dầu tăng, bởi mỗi lần muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian về thủ tục đăng kí điều chỉnh giá cước, chi phí thay đồng hồ đối với taxi, bảng biểu... Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thường tính toán rất kỹ khi điều chỉnh giá cước. Khi tổng số giá xăng dầu tăng/giảm vượt quá 10% thì các đơn vị vận tải mới tính đến điều chỉnh cước vận tải. Vì vậy, thời gian tới các doanh nghiệp sẽ khó có giảm giá cước ngay. Đợt giảm giá xăng, dầu lần thứ ba này tuy không nhiều, nhưng cũng là động thái giúp giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp vận tải.
Đức Dũng