Doanh nghiệp “méo mặt” vì hàng giảÔng Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Riêng lực lượng Quản lý thị trường cả nước mỗi năm xử lý hơn 12.000 vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù vậy, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi. Mặt hàng vi phạm ngày càng đa dạng có giá trị thấp đến cao, đặt biệt là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng, thuế suất cao.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Thu Trang |
Nhiều đại diện doanh nghiệp (DN) cho biết, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã khiến DN gặp nhiều khó khăn. Ông Mai Ngọc Thạch, Phó TGĐ Công ty Anh Khuê Sài Gòn, đơn vị chuyên phân phối đồng hồ Casio cho biết, hiện nay có rất nhiều các website, chưa kể đến hệ thống các cửa hàng bán lẻ cung cấp đồng hồ Casio giả. Các mặt hàng giả ngày càng tinh vi, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được. Nhiều khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái đem đến bảo hành nhưng bị từ chối vì công ty chỉ bảo hành mặt hàng có tem chính hãng của công ty phân phối. “Hàng năm chúng tôi phối hợp cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ khoảng vài nghìn chiếc đồng hồ giả, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc và Hà Nội là nơi có số điểm kinh doanh hàng giả nhiều nhất. Dù chưa thống kê được thiệt hại chính xác nhưng hàng giả ảnh hưởng lớn đến DN và uy tín thương hiệu”, ông Thạch cho biết.
Tương tự, đại diện Công ty Panasonic cho biết, hàng nhái, hàng giả đã khiến DN gặp nhiều khó khăn và phiền toái, không ít khách hàng tìm đến công ty để “khiếu nại” khi mua phải hàng giả, hàng nhái. “Ba năm qua, Panasonic đã cùng cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các vi phạm. Năm 2014, công ty đã gửi hơn 250 thư khuyến cáo và có 70 vụ xử lý hành chính, năm 2015 có hơn 60 vụ xử lý hành chính”, bà Nguyễn Thị Quyên, đại diện Công ty Panasonic cho biết.
Lo ngại hơn, một số mặt hàng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Bà Bùi Trà My, đại diện Công ty Wacoal, thương hiệu đồ lót nổi tiếng cho biết, các mặt hàng của công ty bị làm giả ngày càng tinh vi, người tiêu dùng khó có thể phân biệt. “Những sản phẩm này được sử dụng trực tiếp hàng ngày, trong thời gian dài, nếu không đảm bảo chất lượng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe đối với người tiêu dùng. Việc hàng giả hàng nhái lưu thông đã ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của công ty”, bà My lo ngại.
Nhiều DN sản xuất trong nước cho biết, nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt thì tình trạng DN phá sản vì không chống đỡ được với hàng lậu, hàng nhái, hàng giả thời gian tới không phải là con số nhỏ.
Ngăn chặn hàng giả từ các hộ kinh doanhBà Nguyễn Thị Quyên, đại diện Công ty Panasonic cho biết, kết quả kiểm tra của công ty cũng như các lực lượng chức năng cho thấy, hầu như hàng giả, hàng nhái được bày bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ tại các thị trấn hoặc tại các chợ. Do đó, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái cần được thực hiện từ chính các hộ kinh doanh.
Ông Đỗ Thanh Lam cho biết, thực hiện chỉ đạo Chính phủ, Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống hàng giả và xâm phạm quyền SHTT. Trong những giải pháp đó, có một nội dung quan trọng là đẩy mạnh, tăng cường hướng dẫn tuyên truyền về luật pháp cho người dân, các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các chợ để bà con không buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền để thực hiện tốt hơn chỉ đạo của Chính phủ, làm cho thị trường lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, mặc dù công ty cùng với cơ quan chức năng đã yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ ký kết chấp hành quyền SHTT và thường xuyên tuyên truyền về chống hàng giả, hàng nhái nhưng còn nhiều bất cập. Tình trạng vi phạm, kinh doanh hàng giả, hàng nhái tại chợ vẫn diễn ra. Không ít hộ kinh doanh tại chợ đã cố tình tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, trốn thuế đưa hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả nhãn mác các hãng có thương hiệu vào chợ kinh doanh. “Một trong những nguyên nhân là do việc kiểm tra xử lý chưa thường xuyên, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, vẫn là xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, đơn vị quản lý các chợ lại không có chức năng kiểm tra, xử lý người kinh doanh vi phạm”, ông Thủy cho hay.
Ông Thủy cho biết thêm, để chống hàng giả, hàng nhái, thời gian tới cần tập trung hơn nữa tuyên truyền nâng cao nhận thức các hộ kinh doanh tại chợ về chống hàng giả, hàng nhái. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. “Cùng với đó, cần có sự hợp tác giữa các DN sản xuất với tiểu thương để có nguồn cung cấp hàng ổn định, hợp pháp cho bà con kinh doanh”, ông Thủy đề xuất.
Đại diện các DN khuyến cáo, các tiểu thương, khi lấy hàng tại các đơn vị phân phối cần kiểm tra giấy tờ gốc của hàng hóa, dấu hợp chuẩn, hợp quy, xem xét kỹ tem chống hàng giả của sản phẩm để đảm bảo quyền lợi của tiểu thương cũng như người tiêu dùng.
Mức phạt hành chính tối đa với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT: Với hình thức sản xuất, buôn bán hàng giả phạt từ 200 triệu đồng/cá nhân, 400 triệu đồng/tổ chức; Hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả: 250 triệu đồng/cá nhân và 500 triệu đồng/tổ chức. Thậm chí có thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn 1 - 24 tháng. |