Hộ cận nghèo ở Phú Thọ được hỗ trợ vốn hiệu quả

Chương trình cho vay hộ cận nghèo dù mới triển khai hơn 2 năm nhưng đã thổi luồng gió mới tới những vùng quê nghèo ở Phú Thọ. Qua đó, rất nhiều hộ gia đình đã tiếp cận được nguồn vốn, góp phần xóa đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế ở các địa phương, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.


Sáu năm trước, gia đình bà Trần Thị Lợi, ở thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa thuộc diện hộ nghèo được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hạ Hòa cho vay 15 triệu đồng để mua 1 con bò về nuôi. Sau 3 năm, gia đình bà Lợi bán bò đi, lấy tiền trả nợ ngân hàng rồi tiếp tục vay mới 20 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Sau khi trả hết khoản tiền vay này, gia đình đã cơ bản thoát khỏi diện nghèo nhưng thu nhập còn bấp bênh. Năm 2013, nhờ chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với hộ cận nghèo, gia đình bà Lợi tiếp tục được vay nguồn vốn ưu đãi với số tiền 30 triệu đồng, bà Lợi dồn vốn liếng đầu tư phát triển đàn bò. Sự đồng hành bền lâu của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gia đình bà từng bước vươn lên làm giàu. Hiện gia đình bà Lợi có 2 bò mẹ, 2 con bò con và hàng trăm con gia cầm...

Được vay vốn ưu đãi, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh đã đầu tư mua bò để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: vbsp.org.vn


Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Phong Phú, huyện Đoan Hùng cũng thuộc diện hộ nghèo lâu năm của xã. Gia đình có 4 khẩu, kinh tế chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, nghề phụ không có nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2013, gia đình chị Hạnh được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH huyện Đoan Hùng. Với số vốn được vay, cộng với số tiền dành dụm được của gia đình, chị Hạnh đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 1 con trâu, 1 cặp bò về nuôi. “Mình không phải là người lười biếng nhưng quả thật không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. May có nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ cận nghèo, gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Mong sẽ có thêm nhiều hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn này” - chị Hạnh chia sẻ.

Từ thực tế các mô hình vay vốn cho thấy, chương trình cho vay tín dụng hộ cận nghèo ngày càng tạo được hiệu quả thiết thực, gắn liền với đời sống dân sinh của người dân. Lãnh đạo xã Phong Phú, huyện Đoan Hùng cho biết, cho hộ cận nghèo vay vốn không chỉ người dân phấn khởi mà cán bộ cũng yên tâm, bởi có thêm cơ sở cho việc giảm nghèo bền vững hơn. Bởi lẽ trước đây chỉ có đối tượng hộ nghèo được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, mà chưa có chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, trong khi ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo là rất mong manh. Do đó, không ít hộ nghèo sau khi vay vốn của Ngân hàng CSXH đã thoát nghèo nhưng không bền vững, bởi chỉ cần gặp một ít rủi ro về kinh tế hay gia đình có người đau ốm, tai nạn là họ lại có thể tái nghèo. Chính vì thế, chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo đã thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho rất nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo.

Sau hơn 2 năm triển khai, tổng dư nợ chương trình tín dụng hộ cận nghèo tính đến hết tháng 7/2015 của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 326 tỷ đồng cho hơn 12.000 hộ cận nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất với mức vay từ 25 đến 30 triệu đồng. Thực hiện quy định mới về nâng mức cho vay, từ tháng 6/2014, hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được vay 50 triệu đồng/hộ. Qua rà soát, các khách hàng đều sử dụng đúng mục đích và bước đầu phát huy hiệu quả. So với thời điểm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực (tháng 2/2013), lãi suất chương trình cho vay hộ cận nghèo hiện nay đã được điều chỉnh giảm, từ 10,14%/năm xuống mức 9,36%/năm.

Theo báo cáo của xã Phong Phú, hiện dư nợ cho vay từ các nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn xã đạt trên 12 tỷ đồng, cho hàng trăm lượt hộ vay đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh hợp tiêu chuẩn, đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt... Từ các nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn khoảng 100 hộ, chiếm 9,5% và 200 hộ cận nghèo, chiếm 6% tổng số hộ trong xã.


Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ, ông Trương Việt Phương cho biết, có được những kết quả tích cực đó là nhờ ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động tập trung tuyên truyền, hướng dẫn về đối tượng, quy trình, thủ tục, thời hạn cho vay. Các hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn sẽ được bình xét công khai tại các Tổ tiết kiệm vay vốn và lập danh sách gửi về Ban Xóa đói giảm nghèo xã thông qua sự quản lý của các hội, đoàn thể. Việc phê duyệt hồ sơ, danh sách các hộ được vay vốn được công khai, dân chủ. Nhờ đó, tất cả các hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu đều được tiếp cận vốn vay ưu đãi một cách nhanh nhất.

Có thể khẳng định việc hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo đã mang lại hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, để đồng vốn cho vay hộ cận nghèo phát huy hiệu quả, công tác định hướng việc làm, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn cách thức làm kinh tế cho các hộ vay vốn cần được cấp ủy chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trở thành động lực giúp cho những hộ cận nghèo nâng cao đời sống, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo tại địa phương. Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới trở thành “cú hích” giúp những hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững.

Tạ Văn Toàn
Mạnh dạn vay vốn làm giàu
Mạnh dạn vay vốn làm giàu

Người dân xóm Nà Khá, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An (Cao Bằng), ai cũng biết mô hình chăn nuôi, dịch vụ bán thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng đem lại hiệu quả kinh tế cao của chị Nông Thị Lê, sinh năm 1985, dân tộc Tày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN