Tại Đồng Nai, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 5 xã thuộc 3 huyện ở Đồng Nai. Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Đồng Nai đã thu thập thông tin, tìm nguyên nhân lây lan dịch bệnh.
Vừa qua, ngành chức năng Đồng Nai đã khảo sát việc phòng chống bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại lớn, người dân được tuyên truyền đầy đủ về dịch bệnh. Tại các trang trại chăn nuôi lớn thực hiện triệt để phòng bệnh, ngoài rắc vôi, khử trùng, nhiều trang trại còn xây dựng các hàng rào ngăn lây nhiễm, xây các nhà tắm khử trùng trước khi vào trại, thuê các trạm khử trùng di động.
Theo ông Trần Văn Quang, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, người chăn nuôi nhỏ lẻ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng. Tới đây, chính quyền Đồng Nai sẽ tuyên truyền, kêu gọi doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn tham gia phòng chống dịch không chỉ trong phạm vi trang trại của mình mà cả khu vực xung quanh, hỗ trợ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
Ngoài ra, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã mua gần 17.000 tấn vôi để rắc tại các khu vực xung quanh ổ dịch, trục đường giao thông, phát cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; phát động tháng tiêu độc, sát trùng, làm sạch môi trường chăn nuôi trong phạm vi toàn tỉnh.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 48 cơ sở giết mổ trái phép, các cơ sở này giết mổ lợn không qua kiểm dịch, lợn mắc bệnh, lợn chết. Do dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, giá lợn hơi xuống thấp nên tình hình giết mổ trái phép dự báo sẽ phức tạp hơn; sẽ có những gia đình tự giết mổ lợn tại nhà sau đó mang đi bán.
Lãnh đạo của huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị đang tiếp tục tăng cường lực lượng chức năng và phương tiện, nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Diên Điền - nơi xuất hiện dịch đầu tiên trên đàn lợn tỉnh của huyện cũng như của tỉnh Khánh Hòa. Nhờ vậy, hiện nay, tại Khánh Hòa chưa ghi nhận phát sinh thêm trường hợp dịch tả lợn mới.
Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Diên Khánh chỉ đã đạo xã Diên Điền đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định đối với số lượng lợn bị dịch vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5; tuyên truyền cho người dân không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng; các phương tiện ra vào đều các thôn phải được tiêu độc khử trùng… Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thống kê và giám sát các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn, khai báo cho tổ dân phố, chính quyền khi có lợn bệnh, chết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, đơn vị đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp chống dịch và ngăn ngừa lây lan dịch trên diện rộng như: tăng cường công tác kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn tỉnh, nhất là tại hai điểm chốt chặn ở huyện Vạn Ninh và thành phố Cam Ranh; tổ chức kiểm tra tất cả các cơ ở giết mổ trên địa bàn đặc biệt là cơ sở giết mổ có nhập lợn từ các tỉnh phía Bắc vào và tổ chức lấy mẫu giám sát đối với lợn nghi mắc bệnh các cơ sở giết mổ.