Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: “Theo đánh giá của Liên hợp quốc, xếp hạng dữ liệu mở của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2020, nhưng vị trí vẫn rất khiêm tốn. Muốn tạo lập được dữ liệu số thì phải có hạ tầng số, nền tảng số; muốn tạo lập được dữ liệu số thì phải có rất nhiều các dịch vụ số. Chúng ta đang nỗ lực lớn cho điều này”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; đảm bảo an toàn thông tin mạng; xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực công nghệ số cung cấp; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Phan Tâm cho biết: “Diễn đàn lựa chọn chủ đề là: “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, đây là chủ đề quan trọng, hưởng ứng chủ đề “Năm dữ liệu số” mà Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số và Bộ TTTT đã lựa chọn. Diễn đàn giúp nâng cao nhận thức về dữ liệu và chuyển đổi số: thông qua trao đổi trực tiếp, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, dữ liệu số.
Diễn đàn cũng giúp các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tìm được lời giải về chuyển đổi số cho chính doanh nghiệp mình, doanh nghiệp SMEs có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế số, Việt Nam không thể chuyển đổi số thành công nếu khu vực SMEs chưa/chậm chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi tìm kiếm cơ hội để doanh nghiệp vươn ra toàn cầu. Bộ Thông tin và Truyền thông đã mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài với hy vọng mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam vươn ra thế giới”.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT nhấn mạnh: “Chuyển đổi số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực, những giá trị thiết thực cho nền kinh tế - xã hội. Đây là lúc cơ sở dữ liệu phát huy vai trò và sức mạnh”.
Để thúc đẩy tiến trình này, theo ông Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số tại Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số kỳ vọng và luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, các Ban, Bộ, Ngành, các tổ chức để chung tay: Tư vấn, góp ý xây dựng một hàng lang pháp lý thông thoáng; Tham gia xây dựng những hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; Hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành; và quan trọng nhất là xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội.
Trong phiên tọa đàm chuyên đề “Mô hình hợp tác công tư trong Xây dựng và Khai thác dữ liệu số”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc FPT Information System đã có những đề xuất nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ đắc lực hơn cho khối nhà nước, lẫn tư nhân trong tiến trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu. Cụ thể như đề xuất xây dựng kiến trúc dịch vụ công trong đó phân tách được các dịch vụ do chính phủ và doanh nghiệp cung cấp. Tiếp đó là sớm thành lập Cơ quan chuyên trách Quốc gia về hợp tác Công tư cho ngành công nghệ thông thôn tin (CNTT). Đồng thời thí điểm cơ chế cho phép doanh nghiệp được cung cấp một số dịch vụ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, để xây dựng cơ sở dữ liệu hiệu quả, cần thực hiện kết hợp giữa ba yếu tố công nghệ, con người, hành lang pháp lý. Ở góc độ công nghệ, cần công nghệ xử lý phân tích dữ liệu lớn, AI để làm việc thu thập, làm sạch, lưu trữ, phân tích, khai thác đáp ứng các nhu cầu trong quản lý nhà nước, điều hành chỉ đạo và kiến tạo các giá trị mới, dịch vụ mới dựa trên dữ liệu. Ở góc độ con người, cần nguồn nhân lực số cho xã hội, hiểu biết sâu sắc về dữ liệu số - sử dụng, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả. Và cuối cùng, ở góc độ pháp lý, quản trị dữ liệu quốc gia - data governance là vấn đề phức tạp: khai thác dữ liệu đúng mục đích, đảm bảo tính riêng tư, bảo mật của dữ liệu.
Trong 25 tỉnh thành hợp tác toàn diện, FPT đã thực hiện tư vấn xây dựng chiến lược dữ liệu cấp tỉnh cho tỉnh Lào Cai, TP Hồ Chí Minh... Ở các dự án này, FPT đã phân định rõ các dữ liệu địa phương cần xây dựng, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung trên cơ sở kế thừa, đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia đã và đang triển khai. Đơn cử, triển khai tại Sở Y tế Đồng Tháp, giải pháp của FPT đã giúp tạo lập kho dữ liệu y tế điện tử (CDR) của hơn một triệu người dân trong toàn tỉnh với trên 13 triệu lượt khám/chữa bệnh. Các lãnh đạo Sở Y tế có hệ thống báo cáo thông minh, cho phép tổng hợp và phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Các bác sĩ có thể tra cứu thông tin chi tiết hồ sơ y tế điện tử của người bệnh từ kho CDR của tỉnh một cách bảo mật và an toàn.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch FSI cho biết: "Dữ liệu đang được xác định là một nguồn tài nguyên mới quan trọng không kém gì những tài nguyên truyền thống như dầu mỏ, than đá…và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế số. Việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi cũng như tạo ra sự khác biệt chính cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Để khai thác dữ liệu hiệu quả thì cần đồng bộ dữ liệu từ tất cả các cấp, đảm bảo dữ liệu ở mọi định dạng có thể liên kết được với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu cho nhau để tạo nên một cơ sở dữ liệu lớn tập trung và đầy đủ thông tin".
Còn theo đại diện MISA, vấn đề liên kết dữ liệu giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cần thúc đẩy hơn nữa. Nếu doanh nghiệp không thể kêt nối, khai thác cơ sở dữ liệu thì không thể có những sản phẩm tốt, không tối ưu được vận hành, gây lẵng phí cho xã hội. Để tạo điều kiện khai thác dữ liệu cho doanh nghiệp, Chính phủ cần quy định rõ doanh nghiệp như thế nào thì được kết nối khai thác. Trên thực tế, hiện có rất nhiều nhu cầu kết nối của doanh nghiệp đang không được giải quyết hoặc một số cơ sở dữ liệu bị độc quyền kết nối; trực tiếp làm quyền lợi của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng.
Theo Vietnam – Briefing thị trường dữ liệu của Việt Nam dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường dự kiến là 5,32% trong giai đoạn 2023-2027. Năm 2023 đã được Bộ TTTT xác định là "Năm dữ liệu số quốc gia" với 4 nhóm nội dung chủ yếu, bao gồm: Phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.