Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, đến cuối tháng 5/2021, toàn tỉnh có 88 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt chuẩn 3 sao trở lên; trong đó, có một sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tuy nhiên, việc tiếp cận với thị trường, đưa các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng cũng như việc tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh tổ chức hệ thống cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Nhờ đó, các chủ thể OCOP dễ dàng hơn trong việc kết nối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Kon Tum hiện đang trưng bày 108 sản phẩm của tỉnh; trong đó, có 88 sản phẩm OCOP. Ngoài ra, cửa hàng cũng trưng bày 46 sản phẩm OCOP từ các tỉnh bạn gửi về. Thông qua cửa hàng, các sản phẩm OCOP được giới thiệu đến khách hàng đẩy đủ, chi tiết cũng như đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và giá thành.
Anh Hoàng Văn Hải, thành phố Kon Tum cho biết, anh đã đến cửa hàng OCOP mua sản phẩm ba lần kể từ khi cửa hàng này khai trương (3/2021). Anh nhận thấy, các sản phẩm ở đây có chất lượng rất tốt, nhiều loại có giá trị cao như yến sào hay Sâm Ngọc Linh, tốt cho sức khỏe. Bên cạnh việc yên tâm sử dụng cho bản thân và gia đình, anh cũng mua các sản phẩm để làm quà biếu, bởi mẫu mã đẹp và giá thành hợp lý.
Ông Đặng Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Yến sào Kon Tum cho hay, hiện nay công ty đang có hai sản phẩm OCOP 4 sao trưng bày và bán tại Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố Kon Tum là: yến chưng và yến tinh chế. Ông nhận thấy, việc đưa các sản phẩm vào cửa hàng này giúp doanh nghiệp của ông có thể tạo ra được chuỗi liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đối với khách du lịch cũng như đưa đến các tỉnh bạn để tiêu thụ. Sau hơn hai tháng, khách hàng đã biết đến sản phẩm của đơn vị nhiều hơn. Nhờ đó, doanh số các sản phẩm OCOP của công ty đã tăng từ 25 – 26%.
Trong khi đó, Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP huyện Đăk Hà được thành lập từ cuối tháng 4/2021. Hiện nay, cửa hàng đang trưng bày và bán 148 sản phẩm của gần 50 đơn vị sản xuất; trong đó, có 50 sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, số còn lại là những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của huyện Đăk Hà và tỉnh Kon Tum.
Ông Phạm Xuân Bé, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar chia sẻ, ngoài việc có hai sản phẩm OCOP 3 sao được trưng bày trong cửa hàng, đơn vị của ông cũng được giao việc quản lý cửa hàng này. Theo ông Bé, trước khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, đã có nhiều người đến tham quan, mua sắm tại cửa hàng. Đặc biệt, các đoàn khách du lịch khi đến huyện Đăk Hà đều vào cửa hàng. Ngoài việc mua sắm, các du khách đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá các sản phẩm OCOP tại đây.
Chị Lê Hồng Điệp, khách hàng của Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP huyện Đăk Hà cho biết, khi đến đây, chị cảm thấy rất yên tâm về chất lượng và giá thành của các sản phẩm. Bên cạnh việc mua sản phẩm để sử dụng, chị sẽ giới thiệu cho người thân và bạn bè về các sản phẩm OCOP tại đây.
Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng, huyện Đăk Hà – đơn vị duy nhất của tỉnh có sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao là cà phê rang xay Dak Mark đánh giá cao vai trò kết nối giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, chủ thể OCOP với người tiêu dùng của các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP.
Bà Tuyết cho biết, trước đây, các sản phẩm của Công ty TNHH Một thành viên Nguyên Huy Hùng chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường xuất khẩu và phục vụ cho khách du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên doanh số của thị trường đã bị giảm. Khi có cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sức mua từ thị trường nội địa đã tăng lên từ 15 – 20% so với những năm trước. Nhờ đó, doanh nghiệp này đã có đủ tài chính để cân bằng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng và vận hành được bốn cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Theo đó, thành phố Kon Tum có hai cửa hàng và các huyện Đăk Hà, Kon Plông có một cửa hàng. Sau khi triển khai các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP, Sở đã phối hợp với các doanh nghiệp, các chủ thể OCOP để triển khai việc vận hành các cửa hàng một cách hiệu quả nhất.
Qua thời gian triển khai các cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương nhận thấy có hiệu quả tốt, người tiêu dùng đã biết đến sản phẩm OCOP của Kon Tum chất lượng, có mẫu mã, hình thức phù hợp. Thông qua đó, các sản phẩm OCOP cũng có mặt trong các siêu thị, các trung tâm thương mại trong cả nước, doanh số bán hàng cũng được nâng lên đáng kể. Thông qua việc triển khai các cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng được mở rộng và ổn định hơn.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, việc triển khai các điểm bán hàng tại các huyện vẫn còn một số khó khăn như số lượng sản phẩm OCOP còn hạn chế, không nguồn kinh phí để triển khai hay không có địa điểm thích hợp để mở cửa hàng. Vì vậy, đến nay tỉnh mới chỉ thực hiện được ở 2 huyện, các huyện còn lại vẫn đang trong quá trình thực hiện.
"Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hướng dẫn cho các huyện xây dựng các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, phấn đấu mỗi huyện sẽ có một điểm trưng bày sản phẩm OCOP theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục duy trì các điểm bán hàng đã được hình thành, bổ sung các mặt hàng, sản phẩm OCOP trong thời gian tới, đảm bảo phong phú về chủng loại, chất lượng. Đồng thời, sẽ tiếp tục kết nối với các tỉnh bạn để giao lưu sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như để người tiêu dùng trong cả nước biết nhiều hơn đến sản phẩm OCOP của tỉnh Kon Tum", ông Nguyễn Thanh Hùng khẳng định.