Tại cảng cá Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi) và cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), rác thải, nước thải, bốc mùi hôi thối. Dọc cầu cảng, nhiều tàu cá đang được ngư dân vệ sinh, bơm nước rửa hầm cá đen ngòm, rồi xả thẳng xuống biển. Khu vực tập kết cá không đảm bảo vệ sinh do nước thải, chất thải. Trên cầu cảng, sau khi hoàn tất việc thu mua và vận chuyển cá, thì nước thải rửa cá, xác hải sản bị vứt xuống biển.
Nguyên nhân chính là do tại các cảng này đang thi công hệ thống xử lý nước thải và phòng cháy chữa cháy. Ông Trần Lê Hồng Sơn, Giám đốc Ban quản lý Các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Các cảng cá này đầu tư từ năm 2008, nên hệ thống xử lý nước thải là thu gom đưa về khu vực lắng lọc.
Tuy nhiên, để đảm bảo các tiêu chí cảng cá loại II thì Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải vi sinh tự động và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Khi hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu phần lớn ô nhiễm môi trường tại các cảng cá.
Quảng Ngãi có 5 cảng cá kết hợp khu neo đậu là: Cảng Sa Huỳnh, cảng Mỹ Á (thuộc thị xã Đức Phổ), cảng Tịnh Kỳ, cảng Tịnh Hòa (thuộc thành phố Quảng Ngãi) và cảng Lý Sơn (huyện Lý Sơn). Theo thiết kế các cảng này chỉ đảm bảo cho 1.750 tàu thuyền neo đậu.
Để phát huy hiệu quả cũng như bảo vệ môi trường ở các cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ quan chức năng cần đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, nhất là phương tiện phục vụ việc bốc dỡ hàng hóa, vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm phục vụ nhu cầu của ngư dân. Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh, thừa nhận hạ tầng các cảng cá trong tỉnh hiện nay chỉ đạt khoảng 70% các tiêu chí cảng cá loại II.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa để vừa nâng cao hiệu quả công trình, nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân là rất cần thiết. Do đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cần quan tâm bố trí ngân sách.
Với hạ tầng cảng cá còn thiếu và yếu, nên những năm qua, rất nhiều tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi không về địa phương để xuống cá mà phải di chuyển đến các tỉnh lân cận. Hiện nay, mỗi năm sản lượng hải sản thống kê được qua các cảng chỉ đạt khoảng 1/10 so với sản lượng hải sản khai thác của toàn tỉnh. Ngoài ra, một số cảng cá có luồng vào cảng và vũng neo đậu thường xuyên bị bồi lấp nên tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn.
Ngư dân Nguyễn Thành Chung, chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân khiến đội tàu của ông mỗi lần đánh bắt xong không về các cảng ở Quảng Ngãi vì đa phần các cảng ở đây khi tàu lớn cập vào rất khó khăn, dễ xảy ra va đập mạnh khiến tàu hư hỏng, luồng lạch để tàu vào cảng chật hẹp, lại quá cạn, dễ xảy ra tai nạn khi tàu cá đi vào. Hơn nữa, các cơ sở phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa tàu khá thô sơ, không bảo đảm.
“Sau những ngày khai thác trên biển thì anh em chúng tôi cũng muốn cập về cảng trong tỉnh để thuận lợi về nhà thăm vợ, con. Nhưng khi xét về kinh tế, việc cập vào các cảng Quảng Ngãi không đem lại hiệu quả so với cập cảng ở Đà Nẵng, Bình Định nên mấy năm qua tàu tôi đánh bắt trở về đều cập cảng ở các tỉnh khác”, anh Chung cho hay.
Với những thực tế đang tồn tại về hạ tầng cảng cá ở tỉnh Quảng Ngãi hiện nay thì việc sớm đầu tư, nâng cấp các cảng để đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy hoạch là vô cùng cấp thiết.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho rằng, các cảng cá cũng như khu neo đậu tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi ít được đầu tư về hạ tầng. Do vậy, số lượng tàu thuyền công suất lớn sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để xuống cá mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận.
Từ đó, dịch vụ hậu cần cảng cá trong tỉnh không phát triển. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng cá của tỉnh, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn cũng như thẻ vàng mà EC đưa ra.