Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, biến đổi khí hậu và cụ thể là tình trạng nước biển dâng, xâm ngập mặn đang ngày nghiêm trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm thiệt hại nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu, nuôi trồng và chế biến nông thủy sản.
Một khảo sát mới đây của VCCI cho thấy, mùa vụ 2019 - 2020 vừa qua, thiệt hại vùng cây ăn trái tại một số tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang lên đến 30.000 ha so với đợt hạn mãn 2015 - 2016, dù chưa ước lượng được những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp nhưng đã làm cho nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp thiệt hại lớn và kéo dài trong nhiều năm.
Theo ông Lam, nếu như không có có những giải pháp từ xa, nền tảng, căn cơ cho việc thích ứng thì ngành nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp chế biến nông sản nói riêng sẽ đổi mặt với nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy, sự tham gia của cộng đồng, tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó doanh nghiệp là lực lượng quan trọng, cần sự chủ động, linh hoạt để tránh những thiệt hại là rất cần thiết.
Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, hội chợ là hoạt động của Mạng lưới doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vừa được VCCI Cần Thơ thành lập vào tháng 5/2022. Đây là hội chợ đầu tiên mang tính chuyên để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội chợ thu hút 28 gian hàng của các doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm thuộc 5 nhóm ngành, gồm: sản phẩm và giải pháp công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu; sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển cộng đồng; sản phẩm, dịch vụ xử lý môi trường; sản phẩm về năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối; các tổ chức nghiên cứu, quỹ đầu tư cho doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.
"Mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng chúng tôi ghi nhận sự các doanh nghiệp đã quan tâm, nhận thức rõ hơn, tham gia một cách có trách nhiệm, mang sản phẩm dịch vụ, giải pháp mang tỉnh mở lối, độc đáo, có tính khả thi, thực tiễn cao, để các doanh nghiệp khác có thể hợp tác, nhận chuyển giao và ứng dụng để đầu tư kinh doanh một cách có hiệu quả", ông Nguyễn Phương Lam chia sẻ.
Theo ông Michael R.Digregorio, Trưởng Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam, ông rất vui mừng khi thấy có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia sự kiện, mặc dù nông nghiệp không phải là lĩnh vực phát thải chính ở Việt Nam nhưng đã có rất nhiều sản phẩm như phân bón, xử lý rác thải nông nghiệp được mang đến giới thiệu tại hội chợ. Đây là dịp rất tốt để các doanh nghiệp thiết lập cơ hội kinh doanh, phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Cũng theo ông Michael R.Digregorio, năng lượng hiện nay là lĩnh vực đang sản sinh ra 70% lượng phát thải của Việt Nam (trong đó lĩnh vực điện chiếm 30%, công nghiệp và xây dựng 30% và giao thông vận tải chiếm 10%). Điều đáng buồn là năng lượng vừa là nguồn để phục vụ phát triển kinh tế vừa là nguồn gây ra phát thải.
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon về 0 vào năm 2050 thì cần đạt được các mục tiêu về các nguồn năng lượng cũng như cách sử dụng năng lượng. Chính phủ Việt Nam rất tin tưởng và trông cậy vào vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng.
Tại sự kiện còn có các hoạt động kết nối kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ nuôi trồng và chế biến nông thủy sản cùng với Diễn đàn "Tác động hạn mặn đến phát triển kinh tế và Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Các giải pháp thích ứng" và báo cáo kết quả nghiên cứu tác động hạn mặn đến doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông qua chuỗi sự kiện, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ hơn vào các hoạt động thích ứng biển đối khí hậu và phòng chống rủi ro thiên tai, tìm kiếm các giải pháp, mô hình sản xuất bền vững và thúc đẩy cơ hội kinh doanh, trao đổi giải pháp thích ứng cho nhiều thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị nông, thủy sản khu vực được mệnh danh là vựa lúa, trái cây và thủy sản của cả nước.