Không để thiếu hàng, sốt giá dịp Tết

Cân đối đủ cung cầu, không để thiếu hàng và sốt giá những mặt hàng thiết yếu cho thị trường Tết là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại giao ban trực tuyến ngày 4/11 giữa Bộ Công Thương với các địa phương.

 

Chuẩn bị chu đáo nguồn hàng


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, những mặt hàng như lương thực, thực phẩm, rau củ quả và thủy sản cần có kế hoạch tích trữ đầy đủ ngay từ thời điểm này nhằm tránh những hoạt động đầu cơ, tăng giá bất hợp lý trong các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2014.

Khách chọn mua hàng tại siêu thị Co.op mart Hà Nội.


Báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết về kế hoạch cung ứng hàng Tết Giáp Ngọ. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết cung ứng khoảng 30% - 40% thị phần các mặt hàng thiết yếu, chợ đầu mối cung ứng 40% - 50% và số còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả và gạo...


Ông Nguyễn Phương Đông Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho hay hiện thành phố đã triển khai 7.573 điểm bán hàng bình ổn giá, với lượng hàng hóa dồi dào, chất lượng đảm bảo và giá cả theo giá đã đăng ký nhằm hạn chế hiện tượng đầu cơ, găm hàng, qua đó góp phần cân đối cung cầu, giảm tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ và giá cả tăng giá đột biến nhất là vào các dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, thành phố cũng hợp tác chương trình thương mại với các tỉnh Tây Nam Bộ để liên kết đầu tư, tạo nguồn hàng cung cấp cho thành phố lâu dài và ổn định cũng như phát triển mạng lưới phân phối cho các doanh nghiệp.


Tương tự, tại Hà Nội, Sở Công Thương thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại lên kế hoạch dự trữ nhóm hàng thiết yếu tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng trong năm; trong đó tập trung vào 7 nhóm hàng thiết yếu với tổng giá trị là 318 tỷ đồng, gồm: 5.500 tấn gạo tẻ, 900 tấn thịt heo, 450 tấn thịt gà, 6 triệu quả trứng gia cầm, 300 tấn hải sản đông lạnh, 1.500 lít dầu ăn, 2.000 tấn rau củ. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, sẽ triển khai 610 điểm bán bình ổn giá cố định được treo biển nhận diện và khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng... không treo biển nhận diện nhưng bảo đảm giá bán ổn định theo bảng giá của Bộ Tài chính.


Là một trung tâm của các tỉnh miền Trung, lại vừa phải khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 11, nhưng theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, thành phố đã có phương án chuẩn bị tốt các mặt hàng như gia súc, gia cầm, rau củ quả để bình ổn những tháng cuối năm. Địa phương cũng kết hợp với tỉnh Lâm Đồng để tạo nguồn hàng cung cấp trong những tháng cao điểm và dịp Tết.


Chú trọng kiểm soát thị trường


Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết tháng 10/2013, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa của cả nước đạt 225,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa đạt 2.158,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2012. Nếu loại trừ chỉ số giá (CPI) thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa vẫn tăng 5%. Riêng trong tháng 10 có hai yếu tố tác động mạnh đến CPI là lương thực tăng 0,91% và thực phẩm tăng 1,04%.


Hiện nay, mặc dù sức mua chưa được cải thiện nhiều do người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu nhưng để bình ổn thị trường Tết, cũng như tránh việc thiếu hàng sốt giá, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuẩn bị con giống nhằm tăng khả năng tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết.


Từ nay đến cuối năm, các chương trình bình ổn giá sẽ tiếp tục được triển khai trên cả nước. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nếu tháng tới khống chế tốt dịch bệnh, công tác phòng chống bão lũ được triển khai tốt thì vấn đề thực phẩm cho Tết sẽ không gặp vấn đề gì lớn, khó xảy ra những đột biến bất thường. “Chương trình bình ổn giá được tiến hành trên địa bàn 11 tỉnh, thành với tổng trị giá trên 850 tỷ đồng. Riêng TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã liên kết giữa ngân hàng, nhà sản xuất và nhà phân phối tạo thành một chuỗi cân đối giữa tiền và hàng để bình ổn giá, không sử dụng ngân sách”, ông Quyền cho biết thêm.


Cùng với chuẩn bị chu đáo nguồn hàng, Bộ Công Thương cũng yêu cầu chi cục quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới... Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với Cục Quản lý thị trường giám sát chặt chẽ việc thu mua thủy hải sản đang diễn ra tại một số địa phương, kịp thời chấn chỉnh hoạt động này nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất.

“Gần đây, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nhưng không đáng kể, dao động rất nhỏ so với giá cơ sở. Phần mà có khả năng điều chỉnh giá chưa được nhiều. Nếu có cơ hội giảm giá là sẽ giảm giá ngay”. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền


Hoàng Dương - Đức Duy

Không để thiếu hàng, sốt giá dịp Tết
Không để thiếu hàng, sốt giá dịp Tết

Cân đối đủ cung cầu, không để thiếu hàng và sốt giá những mặt hàng thiết yếu cho thị trường Tết là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại giao ban trực tuyến ngày 4/11 giữa Bộ Công Thương với các địa phương.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN