Lạm phát thấp, lãi suất vẫn “dậm chân”

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê - TCTK) ngày 24/11 cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2015 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng mức tăng CPI từ đầu năm đến nay chỉ ở mức 0,58%.


Mức tăng thấp nhất 10 năm

Theo TCTK, CPI tháng 11 được nhìn nhận là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng với mức tăng nhẹ là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,32%. Hai nhóm hàng giảm là bưu chính viễn thông và giao thông với mức giảm tương ứng là 0,1% và 0,%.

“CPI tháng 11 tăng chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,31% do các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao hơn tháng trước do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao như: Thịt bò, hải sản tươi sống với mức tăng từ 0,17% đến 1,2%”, bà Ngọc nói.
 
Đại diện TCTK cho hay: Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tháng này tăng 0,14% do tiết trời miền Bắc giao mùa nên nhu cầu tiêu dùng quần áo cao. Tháng giao mùa cũng khiến nhiều người bị bệnh về hô hấp nên phải dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc cảm và vitamin khiến chỉ số giá thuốc y tế tăng 0,16%. Tuy nhiên nhìn chung, giá các dịch vụ y tế vẫn duy trì ổn định.

Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá thì cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI như: Giá xăng giảm 900 đồng/lít, dầu diezen giảm 210 đồng/lít khiến chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 0,79% so với tháng trước. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở trong tháng này giảm 0,5%, chủ yếu do mặt hàng sắt thép xây dựng giảm. Hiện, giá các loại thép chỉ ở mức dưới 10.000 đồng/kg, giảm 300 - 400 đồng/kg so với trước. Một số doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước theo yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên giá dịch vụ giao thông công cộng trong tháng này cũng giảm nhẹ.

“Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 2,08% cao hơn mức 0,64% của lạm phát chung do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung thấp hơn so với cùng kỳ năm trước”, đại diện TCTK nói.

Đề cập về CPI tháng 12, bà Ngọc dự báo sẽ tăng nhẹ so với tháng trước và tăng trong khoảng từ 0,8 - 0,9% so tháng 12 năm trước. CPI bình quân năm 2015 so với năm 2014 sẽ tăng từ 0,65 - 0,67% do giá lương thực, thực phẩm tăng nhẹ do nhu cầu gạo xuất khẩu và mức tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm. Tuy nhiên với nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào nên giá các mặt hàng này không tăng đột biến. Tuy nhiên nếu giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, CPI tháng 12 tới dự báo tăng khoảng 1,5 - 1,7% so với tháng trước và tăng 2,1 - 2,3% so tháng 12 năm trước.

Lãi suất cho vay vẫn chưa giảm

Trước diễn biến của CPI thời gian qua, mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) dự báo hết năm nay, lạm phát sẽ ở mức 2%, thấp nhất trong một thập kỷ qua. Lạm phát ở mức thấp nên có cơ sở để duy trì mặt bằng lãi suất thấp.

Đại diện UBGSTC dự báo lạm phát năm 2016,  cho biết, sẽ cao hơn năm 2015 do giá cả một số mặt hàng cơ bản và dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh. Tuy nhiên, do giá cả trên thị trường quốc tế tiếp tục thấp và cầu trong nước chưa tăng mạnh, CPI được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp, khoảng 3,5 - 4,5%, tùy mức độ cải cách giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công.

Đề cập về việc CPI thấp trong thời gian rất dài nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho rằng: Muốn tăng hay giảm lãi suất phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: Lượng cung tiền, nhu cầu tín dụng, khả năng huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng... CPI chỉ là một trong những yếu tố để xem xét tăng hay giảm lãi suất. “Theo tôi, CPI thấp chỉ là điều kiện cần để giảm lãi suất, nhằm giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, thúc đẩy tổ chức, cá nhân bỏ vốn vào đầu tư, kinh doanh, thay vì gửi ngân hàng”, ông Lâm nói.

Theo TS Cấn Văn Lực, muốn giảm lãi suất đầu ra thì bắt buộc phải kéo lãi suất đầu vào xuống. Với lạm phát ở mức thấp, đây là thời điểm tốt để xem xét có thể giảm một chút lãi suất đầu vào. Mặc dù vậy, không thể chủ quan với lạm phát vì chỉ cần giá dầu tăng thì tình hình sẽ xoay chiều. Còn đại diện Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng: Nếu muốn hạ lãi suất cho vay xuống nữa thì lãi suất huy động cũng phải hạ. Khi đó người gửi không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm nữa và chuyển sang đầu tư vào các kênh khác như bất động sản, chứng khoán hay vàng... Như vậy, sẽ dẫn tới hậu quả là các ngân hàng khó huy động, thiếu nguồn và lãi suất lại phải tăng lên. Vì vậy nên giữ mức lãi suất cho vay như hiện nay,

Mặc dù CPI duy trì ở mức thấp nhưng những rủi ro tiềm ẩn về giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu tăng sẽ là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát thời gian tới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính phủ và các cơ quan liên quan cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

M.Phương - T.Hiền
Chưa được hưởng lợi nhiều từ lạm phát thấp
Chưa được hưởng lợi nhiều từ lạm phát thấp

Mặc dù lãnh đạo Tổng cục Thống kê (TCTK) khẳng định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, người tiêu dùng được hưởng lợi; tuy nhiên trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 9/10, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, nhiều loại hàng vẫn không hề giảm giá. Với doanh nghiệp, dù lãi suất vay đã ổn hơn nhưng còn cao nên khó cạnh tranh với công ty nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN