Bên trong xưởng dệt của bà Nguyễn Thị Tâm. "Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh"... |
Bao kì công cho ra mét lụa
Những cơn gió thu mát lành đưa chúng tôi đến xưởng dệt lụa tơ tằm của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, con dâu và là người kế tục sự nghiệp của cố nghệ nhân Triệu Văn Mão nức tiếng xứ Hà Đông.
Bên chén nước trà nóng, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm chia sẻ với tôi về chuyện đời, chuyện nghề, những thứ còn, thứ mất của nghề lụa Vạn Phúc - Hà Đông.
Những câu chuyện trà dư tửu hậu của nghệ nhân có lúc bị ngắt quãng, bởi khi những vị khách nước ngoài đến tham quan xưởng lụa, bà lại chạy ra đón tiếp, đon đả dẫn khách đi "mục sở thị" xưởng lụa mà bao đời gia đình bà giữ gìn.
Có tận mắt vào xưởng lụa của bà Tâm mới thấm thía sự vất vả của người thợ dệt lụa để cho ra đời được một mảnh lụa. "Một nong tằm bằng năm nong kén, một nong kén bằng chín nén tơ". Ngày nay, Hà Đông không còn đất để trồng dâu nuôi tằm, và cũng theo xu hướng chuyên môn hóa của các nghề thủ công, tơ tằm được nhập về từ các vùng chuyên trồng dâu, nuôi tằm và làng Vạn Phúc tiếp tục biến hóa nó thành những sản phẩm lụa.
Sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của người thợ se sợi tơ, chập 3 sợi lại làm thành 1 sợi. |
"Những người trồng dâu nuôi tằm đưa nguyên liệu vào nhà máy, đảm bảo cho ra sợi tơ đẹp, nuột, không gồ ghề như ngày xưa. Mình mua tơ về để sản xuất. Cùng là tơ nhưng tơ to, nhỏ thế nào thì mình phải đặt", nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.
Tuy vậy, không có nghĩa là công việc của người thợ Vạn Phúc bớt vất vả hơn. Tại xưởng của bà Tâm, mỗi công đoạn: dệt, suốt, guồng tơ… đều đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao.
"Gần như hoàn toàn làm thủ công, chỉ dùng mô tơ điện để quay. Phải lựa từng sợi tơ, dùng ngón tay ước lượng sợi tơ 1 mm là bao nhiêu đường. Qua bàn tay mà cảm nhận được sợi tơ to nhỏ để thêm vào hay bỏ đi 1 sợi", bà Tâm kể về sự tinh tế, kì công của nghề dệt Vạn Phúc.
"Lụa Vạn Phúc chúng tôi mang nét truyền thống thể hiện ở mẫu hoa văn, cách làm thủ công. Khách hàng đã dùng lụa Vạn Phúc thì vẫn cứ tìm đến chúng tôi để mua dòng lụa này. Ngày xưa hoàn toàn làm thủ công, họa tiết hoa văn không phong phú nên mỗi gia đình làm mẫu hoa khác nhau thì ra chợ lụa, khách buôn nhìn mẫu hoa là hàng biết nhà ai", bà Tâm kể.
Truyền thống nhưng vẫn hướng đến sự hiện đại
Tuy nhiên, người làng Vạn Phúc không chỉ giữ nghề lụa theo cách truyền thống mà cũng đã có sự thích ứng theo cơ chế thị trường. "Bây giờ, các mẫu sản phẩm đa dạng hơn. Mọi người cùng làm nghề thấy hoa văn nào đẹp thì cũng sẽ làm theo. Chúng tôi ra bên ngoài học hỏi, phát triển từ nghề thủ công kết hợp với truyền thống, hiện đại cho ra mẫu hoa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Có như vậy làng nghề mới sống được", nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết.
Bên cạnh xưởng dệt lụa, bà Tâm cũng có cửa hàng để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm đến du khách. Tại đây, chúng tôi nhận thấy có rất đa dạng các mẫu mã sản phẩm từ khăn, áo, quần, áo dài, ví cũng như rất nhiều sản phẩm trang trí được làm từ lụa.
Bà Tâm tâm sự: Ngày xưa lụa chỉ may được áo cánh, áo sơ mi thì bây giờ đã may được vest, các bộ đầm hiện đại… Chất liệu cũng là tơ tằm nhưng để phong phú thì người thợ kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để cho ra các dòng sản phẩm mới, có sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Sáng tạo thêm các sản phẩm khăn quàng, túi, chăn… với đa dạng mẫu mã, khách muốn mua gì là mình có cái đó.
Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc do UBND phường lập nhằm quy tụ những hộ kinh doanh uy tín tập trung vào một khu vực. |
Cách không xa xưởng lụa của bà Tâm là Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc, nằm ngay giữa làng. Tại đây, chúng tôi trò chuyện với chị Thúy, chủ thương hiệu lụa Thúy An Silk. Với sức trẻ và lòng yêu nghề sâu sắc, chị Thúy quyết tâm giữ thương hiệu lụa Hà Đông mà gia đình chị đã gìn giữ nhiều đời.
Cũng như bà Tâm, chị Thúy cho rằng để thương hiệu lụa Hà Đông sống tốt trong cơ chế thị trường thì buộc người thợ phải thay đổi để thích ứng. Lụa truyền thống nhưng vẫn hướng đến sự hiện đại. Như tại cửa hàng chị Thúy có những chiếc nón được sáng tạo bằng cách phủ lụa lên trên.
Chính nghề lụa này đã nuôi sống cả gia đình chị Thúy. Anh chị em trong nhà, vợ chồng cùng tỉ mẩn làm cả ngày. "Bận rộn nên chả làm được việc gì khác. Hôm đông khách 4 - 5 người không bán kịp. Tôi mong muốn đưa sản phẩm tơ tằm Vạn Phúc đến tay người tiêu dùng để quảng bá. Khách đã vào đây là hoàn toàn yên tâm về chất lượng của sản phẩm lụa truyền thống.", chị Thúy chia sẻ.
Người dân làng nghề đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. |
Nói về câu chuyện doanh nghiệp Khaisilk nhập lụa Trung Quốc gắn nhãn "made in Vietnam" ảnh hưởng đến thương hiệu lụa Việt, các cửa hàng tại Vạn Phúc cho biết nó đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý khách đến mua hàng. Nhiều người băn khoăn liệu đây có phải là lụa Hà Đông thật hay lụa Trung Quốc. Việc thay đổi mẫu mã hoa văn từ truyền thống sang hướng hiện đại cũng khiến người tiêu dùng càng khó phân biệt lụa truyền thống và lụa nhập khẩu.
Tuy nhiên, các nghệ nhân tại làng rất tự tin khẳng định với khách về nguồn gốc, xuất xứ lụa của mình. "Khi khách đã đến tận đây, vào tận xưởng sản xuất thì thấy hoàn toàn yên tâm. Bây giờ mọi người đến đây ai nấy đều vui vẻ đón nhận sản phẩm thủ công của chúng tôi, bởi họ hiểu rằng, sản phẩm truyền thống khác hẳn hàng công nghiệp. Những dòng khách hàng truyền thống, thậm chí khách từ nước ngoài vẫn tìm đến với làng nghề lụa Vạn Phúc để đặt hàng.", bà Tâm lạc quan chia sẻ.
"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông". Nghề lụa truyền thống ở Vạn Phúc đã có ngót nghét nghìn năm tuổi. Bởi vậy, với những người thực sự yêu nghề và tâm huyết với nghiệp ông cha, họ sẽ không vì chút lợi ích mà bán rẻ uy tín sản phẩm lụa của mình.
Làng Vạn Phúc vốn có tên Vạn Bảo. Theo truyền thuyết, cách đây khoảng hơn 1.100 năm, bà A Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền, thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo. Trong thời gian ở đây, bà đã dạy dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng. |