Nhà thầu nước ngoài trong đó có nhà thầu Trung Quốc khi trúng thầu EPC thường mang theo máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu sản xuất đến công nhân kỹ thuật..., là nguyên nhân khiến cho các tỷ lệ nội địa hóa của nhiều dự án là rất thấp. Do đó, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa là điều kiện cần thiết để tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước phát triển.
Chỉ định thầu đối với các dự án sử dụng ngân sách
Chủ trương tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong các công trình công nghiệp là rất cần thiết để giúp nền công nghiệp nước nhà phát triển và hạn chế bị phụ thuộc vào bên ngoài. Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, khi các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự đủ lớn mạnh thì cơ chế chỉ định thầu sẽ tạo cơ hội cho các nhà thầu trong nước tham gia làm tổng thầu để có thể trưởng thành. Ví dụ, từ năm 2007, Hiệp hội cơ khí Việt Nam đã đề xuất với Nhà nước cho cộng đồng doanh nghiệp cơ khí đảm nhận nhiệm vụ thiết kế, chế tạo lắp đặt cơ khí thủy công của khoảng 20 dự án thủy điện, kể cả một phần thủy điện Sơn La. Sau đó, nhiều đơn vị cơ khí trong nước như Viện Narime đã tự chủ hoàn toàn thiết kế thủy công cho các công trình thủy điện.
Giàn khoan tự nâng 90 m nước - Tam Ðảo 03 do PV Shipyard làm tổng thầu. |
Trong lĩnh vực dầu khí, sau khi được Nhà nước chỉ định tổng thầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN đã lắp đặt thành công giàn khoan tự nâng 90 m nước trị giá trên 200 triệu USD. Đây được xem là một trong những công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam do PVN làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) là đơn vị thành viên PVN làm tổng thầu EPC. Sự kiện này đưa Việt Nam trở thành một trong ba nước thuộc khu vực châu Á và một trong 10 nước trên thế giới chế tạo giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế mà trước đây Việt Nam phải nhập khẩu. Hiện nay, đội ngũ cán bộ công nhân viên của công ty này đang tiếp tục thiết kế và thi công giàn khoan thứ 2 có độ sâu 125 m nước, giá trị gấp 1,5 lần giàn khoan trước.
Chia nhỏ gói thầu lớn
Tuy nhiên, để các nhà thầu trong nước vươn lên chiếm lĩnh thị trường thực sự không dễ dàng. Theo ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), các nhà thầu trong nước gặp khó khăn do vốn đầu tư hạn chế lại dàn trải; nhiều ngành sản xuất công nghiệp khó lớn mạnh do công nghiệp phụ trợ không có đủ nguồn hàng... Trong bối cảnh này, vai trò của nhà nước trong tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho nhà thầu trong nước lớn mạnh càng trở nên quan trọng.
Theo ông Thụ, các dự án trọng điểm quốc gia đòi hỏi phải có quy trình sàng lọc nhà thầu để bảo đảm các doanh nghiệp không đủ năng lực sẽ bị đào thải. Không chỉ nhà thầu ngoại bị đình chỉ, cấm đấu thầu mà nhà thầu nội không bảo đảm được các yêu cầu về trình độ quản lý, máy móc thiết bị, nhân lực và tài chính tất yếu sẽ bị giải thể. Doanh nghiệp nào tiếp tục tồn tại cần thiết có cơ chế khuyến khích, chính sách hỗ trợ bằng hàng rào kỹ thuật. Điều này đòi hỏi các nhà thầu trong nước phải tích lũy vốn, kinh nghiệm... để nâng cao năng lực.
Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý nghiêm các chủ đầu tư không quản lý tốt dự án, nhất là để cho các nhà thầu ngoại yếu kém tham gia trúng thầu. Yêu cầu đặt ra là các chủ đầu tư cần am hiểu và vận dụng linh hoạt các chính sách pháp luật, phê duyệt dự án có yêu cầu đầu tư phù hợp, tổng mức đầu tư bảo đảm, có kế hoạch đấu thầu và tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu phù hợp với yêu cầu của dự án và điều kiện của các nhà thầu Việt. Theo đó, chủ đầu tư khi đưa ra tiêu chí lựa chọn nhà thầu nên xem xét kỹ để đưa ra tiêu chí phù hợp với yêu cầu đầu tư của dự án hay gói thầu cụ thể chứ không đưa ra các yêu cầu quá cao so với yêu cầu thực tế về năng lực kinh nghiệm; năng lực tài chính...
Về cách thức quản lý gói thầu, theo ông Nguyễn Văn Thụ, hiện nay, cách thức thực hiện như đối với các dự án nhiệt điện là chủ đầu tư thuê tư vấn lập dự án, quản lý dự án và khai thác dự án; thuê tổng thầu EPC để thiết kế, mua sắm thiết bị và xây dựng nhà máy. Sau đó, tổng thầu lại thuê các nhà thầu phụ. Cách thức này gây khó khăn đối với nội địa hóa thiết bị do phụ thuộc vào điều kiện vay vốn. Ngoài ra, dự án có nguy cơ bị kéo dài, khó kiểm soát chất lượng thiết bị, làm nhập siêu tăng.
Do đó, ông Thụ kiến nghị, nên để chủ đầu tư quản lý các gói thầu từ đầu đến cuối. Các dự án sẽ được phân thành các gói thầu thiết bị chế tạo trong nước, gói thầu thiết bị nước ngoài cung cấp... Cách thức này bảo đảm thực hiện mục tiêu nội địa hóa, thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước, nâng cao năng lực doanh nghiệp cơ khí nước nhà. Theo quy hoạch điện 7 đến 2025, Việt Nam còn phải xây thêm 52 nhà máy nhiệt điện. Hiện nay, đối với 3 nhà máy nhiệt điện chạy than là Quảng trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1 mà các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam được giao thí điểm cơ chế để doanh nghiệp trong nước kết hợp với nhà thầu nước ngoài nhận thiết kế, chế tạo thiết bị phụ, tỷ lệ nội địa hóa có nơi đạt từ 25 - 30% giá trị công trình, từ 60 - 70% khối lượng thiết bị. Đây là bước đi ban đầu quan trọng để lực lượng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước có điều kiện phát triển và làm chủ các dự án nhiệt điện trong tương lai.
“Việc phân chia gói thầu trong một dự án cũng cần tính toán phù hợp trên cơ sở vẫn bảo đảm các yêu cầu về đầu tư nhưng đồng thời vẫn tối đa hóa việc sử dụng các nhà thầu trong nước để thực hiện các công việc của dự án”, ông Thụ nhấn mạnh.
Nhóm PV
Bài cuối: Cần một sân chơi bình đẳng