Theo cuộc khảo sát do công ty IHS Markit tiến hành và công bố ngày 16/12, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Eurozone, yếu tố chủ chốt đo lường sức khỏe kinh tế của ngành sản xuất, vẫn dùy trì ở mức 50,6 điểm trong tháng 12, không thay đổi so với tháng trước đó. Các chuyên gia của IHS đánh giá nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất ổn trong tháng 12 chủ yếu là do hoạt động sản xuất sụt giảm với sản lượng đi xuống với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2012. Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson nhận định nền kinh tế Eurozone trong quý khép lại năm 2019 chìm trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ năm 2013, khi các doanh nghiệp vật lộn với những "cơn gió ngược" do nhu cầu gần như đình trệ và triển vọng ảm đảm trong năm tới.
Xét từng nước, tại Đức, hoạt động kinh doanh đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Eurozone chịu ảnh hưởng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nhu cầu trong lĩnh vực ô tô sụt giảm. Bất chấp các cuộc đình công phản đối cải cách, nền kinh tế Pháp khả quan hơn Đức và trở thành yếu tố chủ chốt hỗ trợ duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế Eurozone.
Trước đó, ngày 12/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/12 đã quyết định giữ nguyên các loại lãi suất chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi ở mức âm 0,5%. Đồng thời, ECB hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2020 từ 1,2% xuống còn 1,1%. Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, kinh tế Eurozone dự kiến sẽ "nhích lên" sau đó với mức tăng trưởng 1,4% trong hai năm 2021 và 2022. Trong khi đó, ECB nâng nhẹ dự báo lạm phát của khu vực này trong năm 2020 từ 1% lên 1,1% và dự kiến số liệu này sẽ ở mức 1,4% năm 2021 và 1,6% năm 2022.