Cạnh tranh lớn
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dự báo quy mô của thị trường dệt may toàn cầu đến năm 2025 có thể đạt 2,6 triệu nghìn tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4%/năm. EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản hiện tại là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới với 1/3 dân số nhưng chiếm tới 75% tổng giá trị dệt may toàn cầu.
Về sản xuất, các nước đang phát triển đã trở thành công xưởng sản xuất dệt may của thế giới từ những năm 1990. Thời gian gần đây, các quốc gia này đã chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu với tốc độ phát triển khoảng 8,3% trong khi các quốc gia còn lại chỉ khoảng 2,8%. Trung Quốc là quốc gia sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới nhưng đang có xu hướng chuyển dịch sang các ngành có giá trị cao hơn. Đây là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia...
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 dự báo sẽ tác động tiêu cực đến thị trường dệt may thế giới, mức độ suy giảm hiện nay của thị trường dệt may thế giới khoảng 20% và theo các chuyên gia phải sau 1-2 năm mới có thể trở về mức đạt được của năm 2019.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, ước tính năm 2020, dung lượng thị trường hàng may mặc Việt Nam khoảng 5 - 5,5 tỷ USD và năm 2025 khoảng 1 - 7 tỷ USD. Mặc dù các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực khai thác để làm chủ thị trường nội địa nhưng vẫn phải cạnh tranh không lành mạnh bởi hàng buôn bán tiểu ngạch, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ các quốc gia láng giềng.
Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mới có hiệu lực và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mới được ký kết sẽ sớm có hiệu lực là cơ hội để các nhãn hàng lớn của 2 khu vực này thâm nhập vào thị trường Việt Nam cạnh tranh với tiềm lực và nhiều lợi thế hơn hàng dệt may trong nước.
Theo Chủ tịch Vitas, thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, ngành dệt may Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, khi nguồn cung nguyên liệu bị thiếu hụt và mất cân đối, tạo điểm nghẽn tại khâu dệt, nhuộm, trong khi nhiều địa phương không khuyến khích phát triển dệt nhuộm do lo ngại gây ô nhiễm môi trường và may gia công vẫn chiếm số lượng lớn. Cùng với đó, còn thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
“Để hưởng lợi ích về thuế suất của CPTPP và EVFTA thì Việt Nam phải phát triển nguồn nguyên liệu trong nước hoặc sử dụng nguyên liệu nội khối hay các quy định ngoại lệ để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đây là vấn đề không dễ giải quyết ngay vì hiện nay Việt Nam nhập khoảng 75% vải và phụ liệu cho may xuất khẩu. Chưa kể dệt may Việt Nam vừa chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP, EU như Trung Quốc, Ấn Độ... và tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn đến từ châu Âu và các nước CPTPP”, Chủ tịch Vitas nhấn mạnh.
Chú trọng thị trường nội địa, hình thành liên kết chuỗi
Trước những cơ hội, khó khăn và thách thức của ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, doanh nghiệp cần tận dụng các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành... thì không có cách nào khác là doanh nghiệp phải tự vươn lên, thực hiện chuyển đổi số, đảm bảo năng lực sản xuất, chú trọng nguồn nhân lực, yếu tố môi trường và hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Hiệp hội Dệt may kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương sớm phê duyệt Chiến lược phát triển dệt may Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2035, chỉ đạo địa phương có hạ tầng phù hợp xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn từ 500-1000 ha có xử lý nước thải tập trung, thu hút các nhà đầu tư vào khâu dệt, nhuộm...
Cùng với đó, tăng cường hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp dệt may trong nướ với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu và may, hình thành chuỗi liên kết tại các vùng, miền.
“Các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhà nước cải cách thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu tạo thuận lợi cho thương mại nhằm giảm thời gian và chi phí”, Chủ tịch Vitas kiến nghị.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, bên cạnh thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, ứng dụng thương mại điện tử, mở rộng mạng lưới bán lẻ, đổi mới phương thức tiếp thị. Xây dựng chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm may mặc phục vụ người dân.
Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khuyến nghị, các doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển thị trường trong nước trước sự cạnh tranh gay gắt của các thương hiệu lớn đã vào Việt Nam như Uniqlo, Zara... Cùng với đó, cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các FTA, doanh nghiệp cần liên kết với nhau, từng bước giải quyết những chỗ thiếu hụt như nguồn nguyên phụ liệu... để sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu...
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp bằng cách tiếp tục mở rộng thị trường bao gồm các hiệp định thương mại tự do, với những hiệp định thương mại tự do đã có Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ghi nhận và ngồi với các doanh nghiệp để hoàn thiện các yêu cầu ví dụ như hoàn thiệu hơn các quy định về quy tắc xuất xứ... để đáp ứng yêu cầu của các FTA. Cùng với đó là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh...
Tại đại hội nhiệm kỳ VI (2020-2025), Hiệp hội Dệt may đã thông qua tuyên bố và nghị quyết của đại hội. Đồng thời, thực hiện bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Theo đó, ông Vũ Đức Giang tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam và đại hội cũng bầu ra 16 phó chủ tịch.