Mô hình được thử nghiệm thành công tại các xã Mỹ Hòa, Kim Hòa, Vinh Kim và Hiệp Hòa của huyện Cầu Ngang, trên diện tích gần 82 ha của hơn 100 hộ ở vụ Thu Đông và vụ Mùa 2017.
Theo đó, các hộ tham gia mô hình được tập huấn và hướng dẫn quy trình sản xuất lúa hữu cơ như gieo sạ, chăm sóc, bón phân, thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh…
Vụ đầu tiên, hộ tham gia được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Hữu cơ Việt - Suisse hỗ trợ 20% giống, và vật tư nông nghiệp đầu vào; đồng thời được kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Kết quả, nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn này mang lại hiệu quả khá cao về kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể, mô hình giảm đáng kể các chi phí như: phân bón giảm 1,4 triệu đồng/ha, thuốc bảo vệ thực vật giảm 1,3 triệu đồng/ha; năng suất đạt 7,25 tấn/ha, cao hơn năng suất trong vùng khoảng 0,45 tấn/ha. Nhờ vậy, nông dân tham gia đạt lợi nhuận đạt gần 30 triệu đồng/ha, cao hơn 6 triệu/ha so với ngoài mô hình. Ngoài ra, nhờ canh tác hữu cơ không sử dụng hóa chất nên nông dân còn có nguồn thu từ nuôi thủy sản xen canh hoặc luân canh, khai thác nguồn thủy sản tự nhiên…
Gia đình ông Thạch MaRa, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang sản xuất lúa hữu cơ từ năm 2017 đến nay. Ông MaRa chia sẻ, sản xuất theo tiêu chuẩn này, cây lúa sinh trưởng rất tốt, và khá thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Ruộng lúa 0,4 ha của gia đình ông trước đây sản xuất theo cách truyền thống năng suất chỉ đạt 5 tấn/ha, nhưng khi tham gia mô hình, năng suất đạt hơn 6 tấn/ha
Bên cạnh đó, chi phí phân bón, nhân công chăm sóc giảm đáng kể nên sau hơn 3 tháng sản xuất, lợi nhuận trong mô hình tăng khoảng 10 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Điều ông thích nhất là trồng lúa hữu cơ được doanh nghiệp cung cấp giống lúa chất lượng và bao tiêu sản phẩm nên gia đình ông không phải lo lắng về chất lượng lúa cũng như vấn đề đầu ra. Vụ lúa năm nay, gia đình ông mở rộng diện tích lên 0,7 ha.
Bà Trần Hồng Nghiệp, cán bộ nông nghiệp xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang cho biết, trước đó, để khuyến khích nông dân trên địa bàn trồng lúa hữu cơ, địa phương đã tìm kiếm doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ để dễ kí kết hợp đồng với doanh nghiệp và tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Lúc mới thành lập, tổ hợp tác chỉ có 10 hộ trồng gần 11 ha, nhưng đến nay tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ đã phát triển lên 49 hộ, trên diện tích hơn 52 ha. Mỗi vụ sản xuất, các thành viên tổ hợp tác đều được doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm, chi phí sản xuất giảm, năng suất cao nên cuối vụ, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn nhiều so với ngoài mô hình; cá biệt, nhiều hộ thu lãi gấp đôi so với cách sản xuất trước đây. Ngoài ra, nông dân còn có nguồn thu nhập từ nuôi tôm sú và tôm càng xanh xen canh hoặc luân canh lúa, với mức 50-60 triệu đồng/ha.
Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, mô hình tạo được sự liên kết giữa các hộ sản xuất, nhà nước và doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo Trà Vinh, cung cấp nguồn lương thực sạch đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, mô hình đã thay đổi nhận thức và tập quán của nông dân trong sản xuất, sử dụng phân sinh học để hạn chế ô nhiễm nguồn nước và rác thải, cải thiện môi trường đất, phục hồi nguồn lợi thủy sản, sức khỏe cộng đồng được bảo vệ.
Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích sản xuất lúa hàng năm hơn 220.000 ha nhưng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ rất khiêm tốn, chỉ vài trăm ha. Đây là một trong những sản phẩm chủ lực được tỉnh khuyến khích nông dân sản xuất trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp địa phương. Tỉnh phấn đấu đạt diện tích sản xuất lúa hữu cơ năm 2020 lên 1.000 ha và đến năm 2030 là 2.500 ha.
Vì vậy, mô hình trồng lúa hữu cơ tại huyện Cầu Ngang cần được nhân rộng tại các địa phương có diện tích trồng lúa nhiều ở tỉnh Trà Vinh, như huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Càng Long và Cầu Kè.