Theo Bộ Công Thương, trong các tháng cuối năm, dự báo tăng trưởng nhập khẩu sẽ giảm dần do xu hướng giảm giá một số mặt hàng như thép, phân bón, xăng dầu… Nhập khẩu máy móc thiết bị đã tăng rất cao trong những tháng đầu năm do việc giải ngân của một loạt các dự án và sẽ giảm dần trong những tháng tiếp theo (Dự án Samsung Display mới được cấp phép bổ sung 2,5 tỷ USD đã giải ngân gần xong).
Một lí do nữa là kim ngạch nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2016 ở mức thấp (trung bình khoảng 13 tỷ USD/tháng) và tăng mạnh trong những tháng cuối năm (trung bình hơn 15 tỷ USD/tháng). Do vậy, mức tăng tương đối của những tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 ở mức cao và sẽ giảm dần trong những tháng cuối năm.
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí/TTXVN |
Trong khi đó ở chiều ngược lại, xuất khẩu nông, thủy sản sẽ tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm. Các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa Quý II. Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm cũng là tiền đề để tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.
"Do vậy, dự báo nhập siêu cả năm sẽ được kiểm soát, tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ở mức khoảng dưới 3,5%", Bộ Công Thương ước tính.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, để hạn chế nhập siêu, việc quan trọng nhất là phải phát triển sản xuất, nếu sản xuất tốt sẽ đỡ phải nhập khẩu. Đặc biệt, nhập siêu của các doanh nghiệp trong nước đang lấn át doanh nghiệp ngoại cho thấy doanh nghiệp trong nước có nhiều vấn đề yếu kém như hiệu quả đầu tư thấp, lệ thuộc nhập khẩu máy móc, nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ cho biết thêm, nếu nhập khẩu nhiều để phục vụ sản xuất thì sẽ cho thấy sản xuất được phục hồi trong thời gian tới. Song mặt khác cũng cho thấy Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên – nhiên liệu nhập khẩu nên dù có năm xuất siêu thì cũng không bền vững và nhập siêu có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Ông Hồ dẫn chứng, năm 2015, cả nước nhập siêu 3,5 tỷ USD, sang năm 2016 xuất siêu được gần 2,7 tỷ USD. Song chỉ trong bốn tháng đầu năm 2017, nhập siêu đã quay trở lại ở mức 2,74 tỷ USD và con số này tiếp tục duy trì trong 6 tháng đầu năm 2017.
Để kiểm soát nhập siêu bền vững, theo các chuyên gia, cần phải củng cố nội lực của khối doanh nghiệp trong nước. Nếu tình trạng phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI kéo dài mãi thì doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể lớn nổi.