Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 13/10 đưa ra cam kết trên trong bối cảnh đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua, với tỉ giá gần 147 yen/USD.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Suzuki cho biết những biến động quá mức trên thị trường tiền tệ là không thể chấp nhận được, đồng thời bày tỏ lo ngại về những biến động nhanh gần đây. Ông cho biết Nhật Bản đang theo dõi những diễn biến này với cảnh giác cao độ và sẽ triển khai các biện pháp mạnh mẽ nếu xảy ra những biến động nhanh trên thị trường tiền tệ, nhất là do các nhà đầu cơ tích trữ gây ra.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp với những người đồng cấp trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Washington trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản có thể can thiệp tiền tệ hơn nữa vào các thị trường tài chính. Trong khi đó, người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết nước này sẽ theo sát những động thái trên thị trường ngoại hối với sự cảnh giác cao và triển khai những ứng phó phù hợp nếu xảy ra biến động.
Theo các nhà phân tích thị trường tiền tệ, đồng yen có thể sẽ tiếp tục mất giá do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như sẽ thúc đẩy việc tăng lãi suất hơn nữa bất chấp lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Đồng yen giảm giá nhanh đã làm gia tăng lo ngại về tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nhật Bản vốn dựa vào năng lượng và vật liệu nhập khẩu. Trước đó, ngày 12/10, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda thừa nhận rằng đồng yen giảm nhanh không tốt cho nền kinh tế nước này, song vẫn chưa cần phải tăng lãi suất.
Trong phiên giao dịch sáng 12/10, đồng yen Nhật Bản đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua so với đồng USD với tỉ giá 146,05 - 146,06 yen/USD. Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yen tiếp tục mất giá so với đồng USD là do các nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản trong phiên họp vào tháng 11 tới, khiến khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng vì BoJ hiện vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng ngay cả khi các ngân hàng trung ương lớn khác đang thực hiện việc thắt chặt chính sách tiền tệ.