Việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được pháp luật quy định. Chủ đầu tư dự án có thể lập phương án, tổ chức trồng rừng thay thế khi được cơ quan chức năng phê duyệt hoặc thực hiện phương án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều năm qua, một số chủ đầu tư dự án chậm hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. Việc bố trí đất trồng rừng cũng như giám sát của các cơ quan chức năng đối với trồng rừng thay thế bị buông lỏng. Đa phần diện tích tự trồng của các chủ dự án không thành rừng.
Nợ tiền trồng rừng thay thế kéo dài
Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt 112 phương án nộp tiền trồng thay thế có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dụng các dự án thủy điện và một số dự án khác. Tổng diện tích chuyển đổi mục đích rừng theo kế hoạch là hơn 1.556 ha, tương ứng với tổng số tiền phải nộp để trồng rừng thay thế là trên 121 tỷ đồng.
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổng số tiền trồng rừng thay thế đã được các chủ dự án chuyển mục đích sử dụng rừng nộp vào tài khoản của quỹ lũy kế đến tháng 12/2020 là 105,166 tỷ đồng, số tiền trồng rừng thay thế các chủ dự án còn nợ đọng là 16,103 tỷ đồng; trong đó 13,815 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền và một số dự án đang làm thủ tục chuyển đổi.
Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Quốc Cảnh cho biết, Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền và Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền là hai chủ dự án nợ đọng tiền trồng rừng thay thế lớn nhất và kéo dài. Trong 5 năm qua, đơn vị đã phải gửi thông báo thu nợ rất nhiều lần để đôn đốc đòi nợ và gần đây Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền mới hoàn thành nộp số tiền nợ đọng hơn 13 tỷ đồng.
Nhà máy thủy điện Bình Điền được xây dựng nằm trên sông Hữu Trạch thuộc địa bàn thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế với 2 tổ máy phát điện công suất 44 MW. Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế của Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền là 320,99 ha; trong đó, chủ đầu tư tự tổ chức trồng rừng thay thế là 134,29 ha và phải nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế 13,815 tỷ đồng để thực hiện trồng 186,70 ha rừng thay thế.
Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền Nguyễn Quang Hải cho biết, Nhà máy Thủy điện Bình Điền thực hiện quyết toán chi phí đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2009. Việc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bắt đầu áp dụng từ năm 2016 nên đơn vị gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn.
Những năm gần đây, tình trạng hạn hán kéo dài nên nhà máy đạt sản lượng điện thấp dẫn tới việc nợ đọng nộp tiền trồng rừng thay thế. Hiện phía công ty đang cố gắng hoàn thành nộp số tiền nợ vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế trong quý II/2021.
Việc triển khai trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thẩm định phê duyệt. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang áp dụng đơn giá trồng rừng thay thế là 79,5 triệu đồng/ha bao gồm thời gian 1 năm trồng, 5 năm chăm sóc để thành rừng.
Khó đủ đường
Từ năm 2016 đến nay, chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới đã tự tổ chức trồng hơn 267 ha rừng thay thế theo hồ sơ thiết kế và dự toán đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt. Nhưng đến nay vẫn chưa được Sở này đánh giá kết quả, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế theo yêu cầu.
Điều đáng nói, những diện tích trên đều nằm trong quy hoạch đất năng lượng do các chủ dự án quản lý là diện tích bán ngập lòng hồ thủy điện chưa chuyển đổi qua đất trồng rừng. Loại cây mà các chủ dự án trên trồng chủ yếu là cây tràm úc, cây gáo.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế Phạm Ngọc Dũng cho biết, đơn vị có đi kiểm tra việc tự trồng rừng thay thế của các chủ dự án nhưng chưa thể đưa ra đánh giá chính thức. Việc kết luận trồng cây có thành rừng hay không phải đợi đến tháng 6/2021, tức là xong chu kỳ trồng rừng 6 năm, hội đồng thẩm định mới quyết định.
Tuy nhiên, lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế lại cho rằng, theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế phải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát việc tự trồng rừng thay thế của các chủ dự án, qua đó tham mưu cho tỉnh có tiếp tục cho phép chủ dự án thực hiện trồng rừng tiếp hay không. Nếu đợi 6 năm mới có đánh giá, chủ dự án có thể làm đối phó, không thực hiện nộp tiền về Qũy Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế để trồng rừng thay thế theo quy định.
Trên khu vực lòng hồ Thủy điện Bình Điền hiện có 134,29 ha rừng trồng thay thế do chủ dự án thực hiện, chủ yếu là cây tràm úc được trồng manh mún ở vùng bán ngập ven chân các đảo nhỏ, nơi có độ dốc lớn. Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng và chăm sóc, những cây này sinh trưởng và phát triển chậm, không đồng đều. Điều kiện thổ nhưỡng ở khu vực bán ngập cũng rất cằn cỗi cộng với độ dốc lớn nên cây trồng tại đây rất khó phát triển.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện quỹ đất dành cho trồng rừng thay thế của địa phương khoảng 1.600 ha nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Mặc dù quỹ đất trồng rừng còn nhiều, nhưng việc tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt cho chủ dự án trồng rừng thay thế trên diện tích quy hoạch đất năng lượng, đất bán ngập lòng hồ thủy điện mà chưa được phép chuyển đổi sang quy hoạch trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là sai quy định hiện nay của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương lý giải, việc địa phương cho phép chủ dự án đầu tư thực hiện trồng rừng trên diện tích quy hoạch đất năng lượng (đất bán ngập lòng hồ thủy điện) là do quy định của Thông tư hướng dẫn trước đây giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Tài Nguyên và Môi trường chưa rõ ràng về trồng rừng trên diện tích đất bán ngập của lòng hồ thủy điện.
Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh rà soát toàn bộ diện tích trồng rừng thay thế của các chủ dự án. Nếu khu vực nào thỏa mãn hai điều kiện là diện tích trồng phải thành rừng và diện tích đó có khả năng làm thủ tục để chuyển sang thành rừng phòng hộ thì mới được công nhận hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định. Những diện tích không đáp ứng 2 yêu cầu trên, chủ đầu tư phải nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế.