Vận hành dây chuyển xử lý rác thải nguy hại bằng công nghệ tự động tại Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh).
|
Đây là vấn đề trọng tâm được các đại biểu đưa ra tại Đối thoại thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực môi trường do Tổng cục Môi trường tổ chức chiều 9/5 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Bảo vệ môi trường cho biết: Tính đến năm 2020, nhu cầu sản xuất thiết bị trong lĩnh vực môi trường cần có là 93.000 tỷ đồng và đến năm 2030 nhu cầu này tăng lên đến 222.000 tỷ đồng. Trong số 357 doanh nghiệp có 22% doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư cải thiện công nghệ môi trường, 13% doanh nghiệp có đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện môi trường, chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp lớn và có nguồn lực tài chính mạnh.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam chỉ mới đáp ứng 2 - 3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại. Còn những lĩnh vực như tái chế chất thải, dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển. Điều này cho thấy, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển nên tiềm năng còn rất lớn.
Chia sẻ về các công nghệ trong lĩnh vực môi trường đang được áp dụng tại Hàn Quốc, bà Seo Hye Sook, Giám đốc Quản lý Tổng công ty Môi trường Busan cho biết: Tổng công ty môi trường Busan hiện có 10 lò đốt với công suất hơn 100 tấn/ngày, xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện cung cấp cho các doanh nghiệp với giá thành thấp. Bên cạnh đó, còn có 14 xe xử lý bụi đô thị trên các tuyến đường của thành phố Busan, trong đó có 10 xe hút toàn bộ bụi trên đường và 4 xe rửa đường. Mỗi năm Tổng công ty tiết kiệm 10 tỷ won từ năng lượng sản xuất thông qua các công nghệ xử lý rác phát điện.
Cũng theo bà Seo Hye Sook, Tổng công ty Môi trường Busan không có vai trò đầu tư trực tiếp, nhưng sẽ là cầu nối hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật cho các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực môi trường. Tháng 9/2018, tại thành phố Busan diễn ra triển lãm về công nghệ môi trường, Tổng công ty Môi trường Busan mong muốn nhận được sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn như: trợ giá sản phẩm xanh, thúc đẩy quy định dán nhãn sinh thái và phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường trường đến toàn xã hội, kết hợp xây dựng lộ trình đến năm 2020 áp dụng mua sắm xanh, ban hành quy chế chi tiêu xanh trong hoạt động đầu tư mua sắm công bằng nguồn ngân sách, ứng dụng công nghệ xanh trong nhiều lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, vận tải, năng lượng, xử lý chất thải, nông lâm nghiệp…
Không dừng lại đó, Việt Nam cũng tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm môi trường, tối đa khoảng 2 tỷ đồng/hành vi vi phạm môi trường nhằm buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi sang sản xuất xanh. Điều này tạo ra thị trường rất lớn để doanh nghiệp tham gia đầu tư dịch vụ xử lý môi trường trong thời gian tới.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ sản xuất, được giảm hoặc miễn thuế doanh nghiệp, thậm chí được hỗ trợ chi phí thuê đất…