Trong quá trình phát triển, các làng nghề không ngừng đổi mới sản phẩm để thích ứng với thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.
Bắt nhịp thị trường
Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) có tuổi đời hơn 500 năm, là một trong những làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á đến nay vẫn duy trì phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công. Vài năm trước, do thiếu hụt thợ lành nghề, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, giá bấp bênh do thiếu sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại sản xuất bằng máy móc công nghiệp khiến làng gốm cổ nức tiếng xa gần này đứng trước nguy cơ mai một.
Trước tình thế đó, các thợ lành nghề trong làng gốm đã nỗ lực tìm hướng đi mới để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Từ chỗ chỉ chuyên sản xuất đồ gốm gia dụng phục vụ nhu cầu trong tỉnh có giá trị thấp, nay làng gốm Bàu Trúc đã sản xuất ra nhiều mẫu mã mới với dòng gốm mỹ nghệ, gốm phong thủy, gốm trang trí nội ngoại thất, kiểu dáng hoa văn trang trí mới lạ, độc đáo nhằm đáp ứng theo từng mục đích, gu thẩm mỹ riêng của khách hàng.
Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc chia sẻ, Hợp tác xã xác định không chỉ đơn thuần gìn giữ, bảo tồn nghề gốm truyền thống mà còn chú trọng đổi mới để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, nghệ nhân trong làng đã dày công nghiên cứu, áp dụng các yếu tố văn hóa phương Tây, văn hóa Việt vào trong sản phẩm gốm Chăm để cải tiến kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hợp tác xã đang đẩy mạnh sản xuất sản phẩm gốm mới như lục bình có chiều cao từ 2-3,5 mét, đèn gốm trang trí, lu nước cách điệu, lọ hoa với nhiều mẫu mã đa dạng chuyên cung cấp cho khu du lịch, trang trí nội, ngoại thất. Dòng gốm mới này có giá cao hơn so với dòng gốm thường trước đây. Ví dụ như các sản phẩm phong thủy hiện nay có giá rẻ nhất là 1,2 triệu đồng, cao nhất 3,5 triệu đồng. Sắp tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng sản xuất dòng gốm mới này để xuất khẩu đi các nước, ông Phú Hữu Minh Thuần cho hay.
Tương tự, các hộ sản xuất thổ cẩm ở làng Mỹ Nghiệp đang nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất để thích ứng với thời đại công nghiệp 4.0. Hiện nay, bên cạnh việc đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, để bảo vệ thương hiệu, uy tín cho sản phẩm của làng nghề, toàn bộ dòng sản phẩm thổ cẩm đều được dán “tem điện tử thông minh” quét mã QR code trên điện thoại truy nguồn gốc sản xuất, chất lượng, giá, hướng dẫn cách bảo quản sản phẩm, giúp khách hàng yên tâm trong quá trình lựa chọn, mua sắm.
Nhờ những nỗ lực này, đời sống nhân dân được cải thiện và gắn bó hơn với nghề dệt. Hiện nay, trong làng có một hợp tác xã, 22 cơ sở dệt thổ cẩm đang hoạt động hiệu quả, thu hút 500 hộ tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho 800 lao động địa phương. Sản phẩm dệt thổ cẩm làng dệt Mỹ Nghiệp đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có ba làng nghề truyền thống được công nhận gồm, làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ và hàng chục làng có các nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất mặt hàng đặc thù của địa phương đang trên đà phát triển như nghề làm nước mắm, chế biến hải sản, sản xuất đồ mỹ nghệ, chế biến sản phẩm rượu nho, nho sấy, táo sấy, chuối sấy, măng khô... phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo đánh giá, với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, các làng nghề đã có thay đổi đáng kể, góp phần giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Tuy nhiên, sự phát triển các ngành nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều làng nghề phát triển chưa thực sự bền vững, phần lớn quy mô sản xuất nhỏ, người sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn để xoay vòng sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, máy móc. Sản phẩm của làng nghề có nhiều chủng loại nhưng chất lượng chưa đồng đều...
Thúc đẩy phát triển làng nghề
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhằm bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đối với các làng đã có nghề, tỉnh tập trung bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, thiết kế sản phẩm mới phù hợp thị trường.
Các làng chưa có nghề sẽ thúc đẩy phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, trong đó, ưu tiên phát triển làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản; gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; cơ khí nhỏ và phát triển dịch vụ ở nông thôn.
Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ khôi phục, bảo tồn 5 nghề truyền thống và hai làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 2 nghề truyền thống và phát triển 3 làng nghề gắn với du lịch; có trên 70% nghề, làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả; 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 80% lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, kiến thức công nghệ thông tin cơ bản... Đồng thời, tỉnh phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục khôi phục, bảo tồn 8 nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 6 nghề truyền thống và phát triển 7 làng nghề gắn với du lịch. Tỉnh phấn đấu trên 80% nghề, làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả; 100% lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và kiến thức công nghệ thông tin; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh huy động nguồn lực triển khai thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, 9 nhóm giải pháp; trong đó, tập trung vào một số giải pháp chính như: Đào tạo nghề, phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi trong làng nghề; thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chuỗi giá trị sản xuất.
Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, làng nghề đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, đầu tư máy móc, thiết bị để tạo ra sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề; tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật làng nghề; hình thành cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn gắn với Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề đáp ứng nhu cầu khám phá, tham quan và mua sắm của khách du lịch; kết hợp với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch làng nghề. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.