Hội thảo có sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và phản biện; các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nhận định, trong số các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá là 2 hiệp định có tác động lớn nhất tới thể chế và pháp luật Việt Nam; trong đó, có các chính sách về đầu tư. Khi những hiệp định trên chính thức có hiệu lực, những cam kết về đầu tư trong TPP và EVFTA sẽ làm thay đổi đáng kể môi trường chính sách về đầu tư ở Việt Nam , do các cam kết này được đánh giá là mức cam kết cao nhất về đầu tư từ trước tới nay.
Báo cáo của VCCI cũng cho biết, trong quá trình rà soát các khuôn khổ pháp luật, về cơ bản đã có sự tương thích giữa các quy định pháp luật Việt Nam với những cam kết quốc tế. Tuy nhiên, một số nội dung, điều khoản và quan điểm thực thi pháp luật chưa có sự đồng nhất, dẫn tới việc cần phải có sự tập hợp nhiều ý kiến hơn nữa từ các cấp, ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất sửa đổi, điều chỉnh luật sao cho vừa đảm bảo tuân thủ các cam kết TPP, vừa góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nhưng đồng thời vẫn bảo vệ và cân bằng được lợi ích giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư TPP.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, pháp luật Việt Nam bao gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp không có quy định phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, trừ thủ tục đầu tư. Việt Nam hiện quy định khá đầy đủ, bình đẳng về các quyền tố tụng và được đảm bảo bởi các cơ quan công quyền.
Cũng theo bà Trang, các nguyên tắc về mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản, với những nguyên tắc về yêu cầu hoạt động, quy định về nhân sự cấp cao… hầu hết đều có sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và cam kết TPP. Chỉ riêng cam kết về việc chuyển tài sản ra nước ngoài hay quy định về thủ tục tham vấn, hòa giải khi xảy ra tranh chấp thì pháp luật Việt Nam không có các quy định chi tiết như TPP.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, ông Phạm Mạnh Dũng, nguyên Vụ trưởng, Vụ Pháp chế nhận định, việc rà soát cam kết quốc tế với pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ là mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư đến từ các nước pháp triển trong khối TPP và EVFTA. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tạo điều kiện thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI vào Việt Nam . Do đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này để làm sao phải có tính răn đe cao khi có vi phạm.