Liên kết và tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi giá trị là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, là xu thế phát triển tất yếu trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng” tổ chức ngày 2/12, tại Hà Nội.
Xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) cho biết, để tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có chất lượng và an toàn thì cần phải xây dựng và tổ chức theo từng chuỗi giá trị, trong đó có sự tư vấn và giám sát từ khâu đầu vào sản xuất, giết mổ tới khâu vận chuyển, bảo quản, đóng gói và phân phối sản phẩm. Thực tế ở Việt Nam, dù mới hình thành và phát triển nhưng doanh nghiệp nào tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thì đều phát triển hiệu quả và bền vững như: Sữa Mộc Châu, Sữa Quốc tế, Vinamilk…
Mô hình chăn nuôi an toàn của các hộ ở xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
|
Báo cáo của 35/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, có hai hình thức liên kết đặc trưng trong chăn nuôi hiện nay. Đó là liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất kinh doanh (liên kết ngang).
Đối với mô hình liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ. Trong khi đó, ở mối liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh (điển hình là các tổ hợp tác, hợp tác xã…) liên kết lại nhằm hỗ trợ nhau đưa hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), các hình thức liên kết này đã mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi tại các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Nam…
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, thành phố đã tư vấn, xây dựng được 17 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm với hơn 1.000 đại lý, điểm tiêu thụ. Các chuỗi liên kết chăn nuôi không chỉ đem lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp mà còn nâng cao thu nhập cho người lao động với mức bình quân từ 36 - 60 triệu đồng/năm.
Điển hình là chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc GreenFood Hà Nội với sự tham gia của 6 đơn vị gồm: Công ty Cổ phẩn sản xuất & thương mại Hoàn Dương với nhà máy thức ăn Thái Way (đơn vị chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi); Công ty TNHH sản xuất giống gia cầm Thụy Phương; Công ty CP chăn nuôi Tiên Phương; Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông, Sơn Tây; Công ty thực phẩm giết mổ, chế biến Vinh Anh; Công ty thực phẩm giết mổ chế biến gia cầm Lan Vinh góp vốn thành lập Công ty cổ phần cộng đồng GreenFood Hà Nội. Hiện nay, chuỗi liên kết này cung cấp cho thị trường bình quân 500 tấn thịt lợn/tháng, 100 tấn thịt gà/tháng và 25.000 quả trứng/tháng. “Với quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu thức ăn chăn nuôi, con giống đến giết mổ, chế biến khép kín, chất lượng sản phẩm được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Đăng nhấn mạnh.
Cần chính sách riêng phát triển chuỗi liên kết
Là một trong những địa phương hình thành nhiều chuỗi liên kết hiệu quả nhưng Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, thành phố vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.
Cụ thể, việc kết nối các doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm cho các hộ gặp nhiều khó khăn do không có kế hoạch ký kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ từ thời điểm bắt đầu nhập giống; sản phẩm vẫn chủ yếu được tiêu thụ theo phương thức bán buôn qua thương lái nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều chuỗi chưa xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm nên chưa tạo được dấu hiệu nhận biết sản phẩm đối với người tiêu dùng dẫn đến sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc vẫn phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh đến người chăn nuôi để mở rộng sản xuất. Đặc biệt, người chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Từ thực tế này, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Cục Chăn nuôi tham mưu với Bộ NN&PTNT sớm ban hành các chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cũng nhấn mạnh, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất chăn nuôi theo mô hình các chuỗi liên kết, các chính sách hỗ trợ chăn nuôi cần được gắn với việc phát triển sản xuất theo chuỗi, hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho các hộ đơn lẻ.
Thu Phương