Song, liệu vấn đề về công nghệ tại các nhà máy nhiệt điện than đã đủ tiên tiến để giải quyết bụi, xỉ thải, đem lại sự yên tâm cho người dân xung quanh dự án.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310 MW; trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện đang sở hữu và vận hành 12 nhà máy nhiệt điện than với 10 nhà máy sử dụng than trong nước và 2 nhà máy sử dụng than nhập khẩu. Tất cả các nhà máy nhiệt điện than đã đi vào vận hành đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo các chuyên gia, xây dựng nhà máy nhiệt điện than có 3 yêu cầu bắt buộc đối với các chủ đầu tư. Đó là, khắc phục tối đa các khí thải độc hại và lắp đặt lọc bụi tĩnh điện để tạp chất không đào thải ra môi trường. Đồng thời, xây dựng được các cảng cấp than, băng chuyền than phải hợp lý để tránh rơi vãi than; xử lý các chất thải tro, xỉ.
Khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho thấy, với các công nghệ hiện đại như hiện nay, việc phát triển nhiệt điện than không đáng lo ngại như dư luận nêu trong thời gian qua. Hiện, các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đã áp dụng công nghệ mới tiên tiến nên đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Trên ống khói lắp lọc bụi tĩnh điện để tránh được bụi bẩn ra ngoài nên gần như khắc phục được khói bụi ra môi trường.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho rằng, Việt Nam đã có đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xử lý khí thải, nước thải đối với các nhà máy nhiệt điện. Hiện nay, về lọc bụi thải, tại các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN quản lý đều sử dụng hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện hiệu suất cao. Quy trình xử lý bụi và khí thải đáp ứng đầy đủ quy trình của các nhà máy nhiệt điện đốt than trên thế giới như: khí thải được đưa qua hệ thống khử, lọc bụi tĩnh điện, khử lưu huỳnh....
Về nước thải, ông Nguyễn Tài Anh cho biết, toàn bộ các nhà máy đều được thiết kế và xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nước làm mát tuần hoàn sau khi làm bát bình ngưng của tuabin hơi được dẫn trong kênh tuần hoàn hở, đảm bảo nhiệt độ tại điểm đầu ra kênh thải thấp hơn 40 độ C theo quy định.
“Quy trình xử lý nước thải công nghiệp của nhà máy gồm: nước thải ra bể chứa, trung hòa, điều chỉnh pH, khuấy trộn, keo tụ, bể lắng, bể lọc, bể chứa và tái sử dụng cho các mục đích phục vụ bãi xỉ, tưới ẩm kho than...”, ông Tài Anh nói.
Riêng về tro xỉ, các nhà máy nhiệt điện phía Bắc của EVN như Phả Lại, Uông Bí, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghi Sơn 1 đều đã được ký hợp đồng với các đơn vị tiêu thụ tro, xỉ. Tại phía Nam như Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 cũng đã ký hợp đồng để tiêu thụ.
Phản hồi về những lo ngại liên quan đến công nghệ của các nhà máy nhiệt điện đốt than và xử lý phát thải, PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng, công nghệ mỗi dự án nhiệt điện đốt than được quan tâm hai phần: công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý phát thải ra môi trường.
Hiện nay, có thể khẳng định công nghệ sản xuất điện năng của nhiệt điện than là công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới. Có thể kể đến như thông số hơi gồm: cận tới hạn và siêu tới hạn; hiệu suất loại cao của thế giới; đảm bảo tính hiện đại, an toàn, đồng bộ, tập trung.... Tuy nhiên, nhiệt điện than sử dụng nhiều than nên khối lượng các chất thải rắn, khí, nước đều lớn, nếu không được xử lý thì sẽ gây tác hại lớn đến môi trường.
“Sản xuất điện bằng đốt than sẽ tạo ra các chất thải như xỉ, tro bay, khí và nước. Do vậy, trước hết, để đảm bảo môi trường xung quanh các nhà máy nhiệt điện không ô nhiễm bụi, khí, các nhà máy phải che chắn chống rơi vãi, chống gió thổi, có băng tải kín và kho kín. Bên cạnh đó, cần có bãi chứa tro xỉ để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch không nung, vật liệu san nền.”, PGS. TS. Trương Duy Nghĩa cho hay.
Ông Trương Duy Nghĩa cũng cho rằng, với chất thải khí, bụi thì hiện cũng đã có giải pháp khử bụi, khử khí hiện đại để có thể giảm tối đa việc phân tán bụi ra môi trường xung quanh. Các nhà máy phải có biện pháp xử lý nước súc rửa công nghiệp, nước thải..., chống thẩm thấu nước đọng từ bãi tro xỉ ra môi trường xung quanh bằng cách gia cố nền bãi chứa.
Mặc dù công nghệ hiện để xử lý thải hiện nay đã rất tiên tiến. Song để đảm bảo giảm thiểu tác động tới môi trường tối đa, các nhà máy trong thời gian tới, nếu xây dựng cần chú ý tới xử lý khí thải độc hại... và lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện để tạp chất không thoát ra ngoài. Các nhà máy cũng cần tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý; có ghi chép tự động và nối mạng với hệ thống quan trắc chung để đánh giá chính xác.
Đặc biệt, về lâu dài, cần có các chính sách khuyến khích sử dụng, tận dụng hết nguồn tro xỉ, phế thải từ các nhà máy nhiệt điện đốt than, bởi đây là biện pháp triệt để và duy nhất để xử lý tro xỉ của các nhà máy này.
Theo ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, thời gian tới, việc phê duyệt dự án đầu tư phải hết sức chọn lọc, từ công nghệ nhà máy chính đến các giải pháp công nghệ, thiết bị xử lý môi trường đối với tro xỉ, khói thải và nước thải đều phải được kiểm soát, giám sát (online) chặt chẽ. Nếu làm chủ và lựa chọn được công nghệ phù hợp thì vấn đề môi trường là không đáng lo ngại.