“Nguồn cát phục vụ cho xây dựng vừa khan hiếm, giá cả lại tăng cao. Tất cả phương tiện vận chuyển đều tạm ngừng hoạt động hơn một tháng qua. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giá một mét khối cát xây dựng dao động từ 200.000 đồng đến 230.000 đồng, tùy theo cự ly vận chuyển. Hiện tại, cũng trong cự ly vận chuyển này nhưng giá lên đến 450.000 đồng đến 500.000 đồng/m3, song vẫn không có cát để mua. Không có cát nên số lượng lao động phải cắt giảm, tiến độ thi công cầm chừng, thời hạn thi công bàn giao công trình trong 180 ngày không biết có thực hiện được hay không”, ông Hải lo lắng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, nếu tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng kéo dài và giá cát không giảm xuống, không những tiến độ thi công công trình chậm, mà đơn vị thi công sẽ gặp khó khăn vì giá cát vượt dự toán theo hồ sơ đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định.
Sông Thu Bồn đoạn qua địa phận huyện Đại Lộc và Duy Xuyên là “thủ phủ” khai thác cát không chỉ phục vụ xây dựng cho tỉnh Quảng Nam mà còn phục vụ cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thế nhưng hơn một tháng qua, tất cả các mỏ cát được cấp phép khai thác trong khu vực này đều ngừng hoạt động. Đây là nguyên nhân chính khiến cho cát vật liệu trở nên khan hiếm và giá cát đang bị đẩy lên cao.
Chủ một đại lý cát ở thành phố Tam Kỳ chia sẻ: Trước đây khi các mỏ cát được cấp phép ở tỉnh Quảng Nam nói chung và các mỏ cát trên sông Thu Bồn nói riêng hoạt động bình thường, nguồn cung về cát xây dựng thông thường chưa khan hiếm, giá cả ổn định, đại lý của ông lấy cát khai thác trên sông Thu Bồn vận chuyển về bán lẻ trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và các vùng phụ cận.
“Hơn một tháng qua, do các mỏ cát trên sông Thu Bồn ngừng khai thác, để giữ khách hàng, đại lý cát của tôi phải vào tận thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) cách 70 km để mua cát. Cự ly vận chuyển xa, hao tốn nhiên liệu, phương tiện vận chuyển cũng hao mòn nhiều hơn, thêm vào đó là chi phí phát sinh trên đường vận chuyển. Tất cả các khoản chi phí này đều được cộng vào giá thành sản phẩm, nên mỗi mét khối cát lên đến 450.000 đồng, cao gấp hơn 2 lần so với đầu năm. Giá vật liệu nói chung, giá cát sỏi nói riêng tăng cao, người tiêu dùng phải gánh chịu”, chủ đại lý cát này cho biết.
Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Thế Đức cho biết: Trước Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Duy Xuyên đã phối hợp cung cấp thông tin về các dự án liên quan. Các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn cam kết, sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra đủ các điều kiện, thủ tục thì sẽ trở lại hoạt động bình thường.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, trong ngày 7/3, mỏ cát của Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Tân Phước Yên (đơn vị được cấp phép khai thác mỏ cát tại địa phận thôn Phú Lạc, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên có công suất được phép khai thác là 43.000 m3/năm), đã hoạt động trở lại sau hơn một tháng ngừng hoạt động. Mỏ cát tại thôn Phú Lạc và các mỏ khác trên sông Thu Bồn hoạt động trở lại sẽ khắc phục được nhu cầu bức bách về nguồn cát xây dựng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết: Sau việc kiểm tra, rà soát lại hồ sơ, thủ tục đối với các mỏ cát trên địa bàn tỉnh của các cơ quan chức năng; các ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra các giải pháp ổn định tình hình, khắc phục triệt để tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá vật liệu cát xây dựng thông thường tăng cao.
“Trong thời gian tới, nếu chủ mỏ cát nào cố tình trì hoãn, không đưa dây chuyền khai thác cát vào hoạt động, dẫn tới tình trạng khan hiếm cát xây dựng thông thường và đẩy giá cả tăng cao thì ngành chức năng sẽ đề xuất tỉnh xem xét rút giấy phép khai thác của mỏ cát đó”, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết.
Để khắc phục tình trạng cát vật liệu xây dựng thông thường khan hiếm và giá cả tăng cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng phải giám sát chặt chẽ việc khai thác cát theo đúng công suất cho phép. Các Ban Quản lý, các cơ quan có liên quan và các địa phương phải đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng, đất san lấp nền, nhất là cát xây dựng thông thường, đáp ứng nhu cầu xây dựng, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Các ngành chức năng như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Thuế, Công an tỉnh và các địa phương phải tăng cường công tác giám sát việc các doanh nghiệp khai thác cát phải đảm bảo vệ sinh môi trường, khai thác và bán cát phải đúng số lượng đã được cấp phép và đúng giá niêm yết đã quy định.
“Đơn vị nào khai thác cát nhưng không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường, khai thác quá công suất cho phép, bán giá cao hơn giá niêm yết và không lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát tải trọng ngay từ bến bãi, có thể sẽ bị xem xét, rút giấy phép hoạt động”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo.